sẽ mãi chẳng bao giờ nó đến được... phố đầy sương, và trời mù mưa

ngồi cho yên, cho vững chãi

ngồi cho yên, cho vững chãi
an định

Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2009

một bức thư chợt nhớ


Gửi Trường cũ yêu thương !
Những cơn gió Tết bắt đầu đến trên đất nước này một lần nữa như bao nhiêu năm về trước. Trường cũ ạ, lòng học trò lại bâng quơ một nỗi nhớ của cái thuở ngày xưa được học dưới mái trường Nguyễn Đình Chiểu. Cứ mỗi dịp gần Tết, trường lại tổ chức cắm trại cho học trò… ngày ấy, tiếng gọi nhau í ới trong những lúc dựng trại cứ vang mãi, ngân mãi trong lòng học trò cũ cho đến tận bây giờ.
Hôm 20/11, học trò về thăm cô muộn mất 2 ngày, cô dặn : con viết gì về trường đi ! Học trò tự dưng giật mình nhìn lại, viết gì bây giờ khi mà cứ mỗi ngày trôi qua là nỗi nhớ về trường cũ cứ tràn dần thêm chút nữa, lời cô dặn dò cứ như một giọt nước tràn ly, để rồi nỗi nhớ và tình cảm dành cho mái trường Nguyễn Đình Chiểu và các thầy cô kính yêu trải dài ra trên trang giấy.
Giữa phố thị xa lạ, giữa giảng đường đại học rộng mênh mông, học trò vẫn chưa lần nào quên giới thiệu cho bạn bè gần xa về ngôi trường cấp 3 mang đậm chất truyền thống Dạy giỏi- Học giỏi, chất lịch sử trong những năm kháng chiến về biết bao học sinh đã lấy máu viết tình nguyện đơn… những quá khứ oai hùng và thành quả của hiện tại, thầy cô vẫn nhắc nhở biết bao thế hệ học trò được vinh dự học dưới mái trường này bằng tất cả lòng tự hào… để rồi, giờ đây học trò giữa những phồn hoa vẫn dõng dạc bảo với bạn bè : hồi cấp 3, mình được học ở trường Nguyễn Đình Chiểu, trường mình nổi tiếng nhất Mỹ Tho.v.v.v.
Đôi lần chạy xe trên những con đường đầy nắng gió của đất lạ, ngang qua những công viên có bóng mát của những hàng cây cổ thụ, lòng học trò lại bồi hồi nhớ về trường cũ… nhớ, nhớ nhiều lắm! Trừơng cũ đâu biết lúc đó nỗi nhớ trong lòng học trò đang mom mem bò dậy, học trò nhủ thầm : Ngày xưa, mình cũng từng học ở một ngôi trường như thế, cũng những hàng cây cổ thụ, cũng bóng mát, cũng chim kêu.v.v.v có đôi lần học trò ra công viên, ngồi dưới những bóng mát ấy, để tìm lại cảm giác ngày xưa khi còn học ở trường cũ, mỗi hôm có kỳ thi tập trung, học trò và bạn bè cũng từng ngồi ôn bài dưới những tàn cây … trong suy nghĩ non nớt của học trò, cứ ngỡ tàn cây nơi phố thị sẽ thay thế được bóng mát ngày xưa… nhưng sự thật đau lòng lắm trường cũ ạ, cái thèm khát được ngồi dưới bóng cây, chỉ là biến dạng của một nỗi nhớ mãnh liệt và mênh mông hơn đó là nhớ về cái không gian bình yên nơi trường cũ.
Cái không gian bình yên ấy, học trò đã đi tìm nơi giảng đường rộng lớn… nơi giảng đường cũng không có được vì nơi ấy những ước mơ cứ rực cháy lửa lo toan vì nơi đó sinh viên đã được dạy về những khắc nghiệt của chợ đời… không như nơi trường cũ, học trò được ươm mầm, được thầy cô xem như là hạt giống, lo lắng và quan tâm. Rồi một hôm về thăm lại thầy cô, học trò nhận ra không gian bình yên của mái trường Nguyễn Đình Chiểu được đan kết lại bằng chính lòng yêu thương, và nhiệt huyết của các thầy các cô ngày lui cui trên bục giảng, đêm lại miệt mài bên giáo án… khi thì lo trong lớp dạo này có đứa học trò không học bài, không làm bài… ở giảng đường Đại học, học trò tự do quần jean, áo màu, dép kẹp v.v.v.. tự dưng lại nhớ về những thầy cô Giám thị, nhớ về những lúc đi học trò đi học trễ gặp cô Giám thị, hay cô Hiệu phó cứ chạy muốn hụt hơi, khi thì rẽ đường vào bãi giữ xe, lúc lại che mặt mà chạy bén vào lớp. Học trò nhớ về chiếc dép của mình thầy Khang còn giữ, nhớ những lời vừa cứng rắn vừa thấu tình đạt lý của cô Dung, nhớ tiếng cô Tưởng dõng dạc buổi chào cờ, nhớ dáng thầy cô mỗi giờ lên lớp… và màu áo trắng quần xanh, màu áo dài trắng đơn sơ xen lẫn với màu xanh của cây lá. Ngay lúc học trò nghĩ đến những hình ảnh ấy, học trò hiểu rằng bình yên không phải là sang giàu, là phồn hoa mà bình yên chỉ là một điều gì đó rất đơn giản, và bình dị, đơn sơ như hình ảnh của trường cũ vậy. Hơn thế nữa, bình yên còn là một nơi, để tâm hồn học trò có thể lui về và được ủi an sau những lần vấp ngã.
Có đôi lần, học trò ao ước mình được trực nhật, được cầm khăn lau bảng ra sàn nước để giặt mỗi lúc đầu giờ… hồi đó, trong lớp, bạn bè cứ nạnh nhau mãi, đến khi lên Đại học, bảng trắng, viết lông xanh mới giật mình nhớ lại trường cũ, nhớ lại ngày xưa… ngày xưa bảng đen phấn trắng sao cứ thương cứ nhớ, nhớ từng hạt bụi rơi lốm đốm tay cô, nhớ tiếng viên phấn thầy vẽ đồ thị bị gãy ngang, rơi xuống đất vỡ đôi… ở giảng đường, giảng viên có micro, còn ở trường cũ, thầy cô phải dạy bằng giọng thật ! Học trò nhớ tiếng cô Vân cứ vang vang xua đi cái buồn ngủ của những giờ tăng tiết, nhớ dáng thầy Hiếu lui cui, còm cõi trên bục giảng, cố gắng dạy cho lũ học trò quỷ sứ đủ kiến thức thi Tốt nghiệp ! Học trò vẫn nhớ dáng cô Khanh đi trong nắng trưa oi ả, nhớ một nụ cười rạng ngời lòng yêu thương của cô The… nhớ nhất là bóng thầy Trấn , cô Hòang đi ngang lớp kiểm tra mỗi lần 15 phút đầu giờ, để trong lớp, học trò đứa nào cũng im phăng phắc… và còn nhiều, nhiều lắm những hình ảnh của các thầy cô khác, cứ in sâu mãi vào trong tim không chỉ học trò mà còn biết bao nhiêu thế hệ học sinh nối tiếp nữa… vì học trò tin thầy cô nơi trường cũ, luôn lên lớp, luôn giảng dạy bằng cả con tim, dù là những năm đầu đứng lớp, hay thậm chí là năm cuối cùng của tuổi về hưu… thời gian có trôi, nhưng sâu thẳm nhất, học trò luôn mong con tim sẽ đập và nhiệt huyết vẫn còn cháy bỏng… đúng không trường cũ ?
Thầy cô ơi ! Học trò của thầy cô vẫn còn nhớ lời thầy cô nhắn nhủ : sau này chỉ cần con làm một nghề nào đó mà khi gặp cô, con đừng cúi gầm mặt lảng tránh là cô vui, vui lắm rồi. Chỉ vỏn vẹn câu nói ấy thôi thầy cô ạ, đã tăng thêm biết bao động lực trong tim học trò. Để những sáng sớm thức dậy học bài thi bớt lạnh buốt, để những đêm khuya chong đèn ngồi học thôi đi những cái ngáp kéo dài, để ngày hôm nay học trò ngồi viết lại những dòng cảm xúc đầy yêu thương, đầy tình cảm và pha chút tự hào về trường cũ, thầy xưa. Học trò ngày trước nhìn bia truyền thống, nhìn tượng cụ Nguyễn Đình Chiểu bằng một tình cảm khác, còn bây giờ lại mang một tâm trạng khác, đầy hãnh diện và kính yêu. Bia truyền thống ngày học trò xa trường, màu đỏ vẫn không phai nhạt mặc cho năm tháng, cụ đồ Chiểu tuy mù mà lòng vẫn sáng như gương… học trò vẫn còn nhớ trên tấm bi truyền thống, hình như có cây đa nho nhỏ mọc lên… cái cây nhỏ bé ấy mọc lên giữa nắng và gió, ít đất và không nước như chứng tỏ một triết lý to lớn : Người ta không chỉ sống bằng thực phẩm mà còn sống bởi những giá trị tinh thần, giá trị truyền thống cao đẹp. Mà trường cũ biết không ? Nơi mái trường Nguyễn Đình Chiểu, nơi ánh mắt của thầy cô, lũ học trò hết lớp này đến lớp khác đã được “nuôi sống” hệt như cây đa ấy… bằng những giá trị vĩnh cửu.
Học trò bây giờ tệ lắm, công việc nơi giảng đường, nơi đất lạ cứ rối bù lên, bao nhiêu lời hứa sẽ lần nào đó về lại trường cũ, mặc lại chiếc áo thể dục năm nào, rủ rê đám bạn ngồi ăn hàng dưới căntin, vừa ăn vừa hồi hộp sợ nghe tiếng trống vào tiết vang lên, sợ bóng thầy cô giám thị thấp thóang đâu đó… và lần nào đó sẽ tận hưởng được cảm giác giấu bịch nước, bịch me, hay gói snack chạy lom khom vào lớp, vì sợ cô Hiệu phó trên lầu nhìn thấy được. Ước sao được sống lại những giờ tập thể dục giữa giờ, được quơ quào tay chân rồi bất chợt tập thật đàng hòan và nghiêm túc khi thấy cô chủ nhiệm đứng ngay cuối hàng.v.v.v còn nhiều lắm trường cũ ạ, những kỉ niệm không nhắc đến mà hễ có dịp gợi lại là sống dậy, sống thật và tái hiện thật ! Và nơi đất lạ, học trò biết mừng là thế nào khi gặp gặp một đồng hương ngày cũ, hay xa xôi hơn là trên các diễn đàn, các blog, học trò khấp khởi hạnh phúc khi thấy dòng chữ :” Nguyễn Đình Chiểu_ Mỹ Tho, Tiền Giang.
Học trò rồi sẽ đi xa, rất xa quê. Học trò rồi sẽ miệt mài với những mơ ước thành đạt. Học trò rồi sẽ bị chìm khuất giữa dòng đời… nhưng đâu đó trên những dòng sông đời cuồn cuộn chảy, trường cũ, thầy cô xưa vẫn sẽ là bến bờ, một bến bờ bình yên sâu nhất, riêng nhất của học trò. Học trò rồi sẽ bận rộn, rối mù với những cuộc họp, buổi thuyết trình, giờ phỏng vấn .v.v.v nhưng mỗi khi 17/3 đến, học trò lại bầng thầng sờ lên ngực áo, nơi ấy, ngày xưa học trò từng đeo một phù hiệu của tình yêu thương và sự bình yên… phù hiệu ấy hằn sâu trong tâm khảm của học trò một dòng chữ ngọt ngào : TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU. Nơi xa xôi nào đó, học trò sẽ thấy lòng mình ấm lại, và chắc hẳn sẽ nhận ra được một góc khuất, nhỏ thôi nhưng thật bình yên… một bài hát nào đó viết rằng :” Xin ngủ dưới tàn cây”… và tàn cây ấy là tình thương chân nhất thật nhất, tàn cây của mái trường rêu phong…
Viết bức thư này cho trường cũ, cho thầy cô xưa, học trò giữa đêm phố thị có cơ hội trải lòng mình rộng ra miên mang về miền quá khứ. Trường cũ ạ, học trò sẽ quay lại, không phải để “thăm” mà sẽ về, như một đứa con đi xa, về để yêu thương và chia sẽ cùng cha mẹ những lo toan cho đàn em.
Cuối thư học trò xin chúc tất cả thầy cô mỗi tiết dạy trên lớp sẽ luôn tìm được nhiệt huyết, động lực để khơi dậy cho đàn em những tâm hồn vừa trí tuệ lại vừa tràn đầy yêu thương. Và đàn em ạ, xin hãy trân trọng từng giây phút các em còn ngồi lại nơi ngôi trường này, không vội vã, cũng không bộn bề bài vỡ theo kiểu ganh đua, chạy hụt hơi, xin hãy ngồi yên, hãy lắng nghe từng lời thầy cô dạy… đừng như những cựu học sinh này, giữa giảng đường rộng tênh, lại thèm nghe một câu rầy là từ thầy cô, thèm được thầy cô theo dõi, xách áo kéo lên phòng Học vụ… vì tất cả chỉ là bình yên và yêu thương thôi.
Viết cho tất cả mến thương
Tp HCM, ngày…tháng…năm…
Cao Ngọc Hồng Ân

Không có nhận xét nào: