sẽ mãi chẳng bao giờ nó đến được... phố đầy sương, và trời mù mưa

ngồi cho yên, cho vững chãi

ngồi cho yên, cho vững chãi
an định

Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2010

bước thật êm

Đi chân trần qua những đồng cỏ khô cháy. Nghe thân cỏ gãy vụng nơi từng bước chân. An nhiên và tĩnh tại, mặc nhiên hôm nào đó ta trở thành cỏ. Cũng vỡ tan nơi những nẻo đời đang cuồn cuộn trôi.


Có con rùa mù từ biển sâu trồi lên giữa mặt biển bao la. Cổ rùa tự dưng đưa ngay vào giữa bọng cây đang trôi dập dìu nơi sóng lớn. Rùa bảo với cây, vậy là duyên. Nhưng rùa không thể mãi ôm bọng cây để trôi nổi giữa mù khơi, cuộc sống của rùa là nơi đáy biển thâm u huyền ảo. Cũng ngày nào đó, khúc gỗ yêu thương ấy tan ra giữa những cơn sóng hung hãn. Cũng một ngày nào đó, rùa vĩnh viễn nằm lại nơi tận cùng của đại dương sâu thẳm… nên duyên ấy dù giữ, hay không cũng vẫn sẽ vỡ tan như trăm ngàn con sóng lớn nhỏ ngoài kia.

Nếu nơi cõi Ta Bà này, mình không sống trọn vẹn với nhau từng giây phút của tình thân, của chia sẻ và yêu thương thì nơi cõi Bụt, mình cũng sẽ vẫn loay hoay, vẫn sẽ thơ thẩn bên những vết thương của ký ức. Rồi mình lại hẹn nhau ở một cõi khác nữa. Cứ thế, mình lại là khách trọ nơi các cõi ấy. Vì chưa bao giờ mình uống cạn và thưởng thức được vị ngọt của hiện tại.

Dòng vô thường cứ trôi, dòng quanh quẩn sống và chết cứ cuồn cuộn chảy. May cho mình, có người chỉ cho mình thấy ngoài khổ đau ra mình còn có khả năng chế tác ra hạnh phúc. Mình có khả năng như Bụt và các Bồ tát khác. Nếu Quan Âm có thể bố thí sự vô uý, thì với thân giả hợp này mình cũng có thể mang lại sự vô sở sợ cho người khác. Nếu Bụt Di Đà mang đến ánh sáng, mang đến Tịnh độ thì mình cũng có thể làm như thế bằng xác thân ngũ uẩn này. Cho nên bên cạnh những cuộc chạy trốn sự khổ, những chủng tử của súc sanh, quỷ đói, và địa ngục mình còn có viên ngọc mà Kinh Hoa Sen Kỳ Diệu đã nhắc đến. Người bạn lành đem may viên ngọc vào trong túi áo của kẻ ăn mày. Kẻ ăn mày đi khắp chợ, khắp phố cầu xin từng đồng xu, hạt gạo, bữa cơm ngay lúc trong túi áo lại có vật giá trị trăm ngàn muôn lượng. Mình quên đi mình có khả năng chuyển hoá chốn đau thương này, và làm nơi này biến thành vùng đất của niềm hoan hỷ vô lượng. Một câu ái ngữ, một mắt lành trông chúng sanh, một hơi thở có ý thức chỉ bấy nhiêu đó thôi mình đã chạm được vào bản nguyện của chư Bụt và Bồ tát rồi.

Con rùa già mù loà sẽ ra đi trong hối tiếc, trong đau đớn khi nhớ về bọng cây. Cái hối tiếc, đau khổ ấy sẽ dẫn nó đến một thân mới cũng giống như ngày nó ra đi. Để loay hoay chờ đủ duyên tìm lại một bọng cây mới ở kiếp sau và kiếp sau nữa. Sóng vẫn làm công việc muôn đời của sóng, là xô đẩy những bọng cây trôi đi bất tận. Rùa vẫn tìm kiếm. Vậy thì nhân nào làm mình quanh quẩn ở chốn này… có phải là những mong cầu, hứa hẹn, chỉ núi thề sông hay không ? Sóng là dòng duyên trôi… có ai biết duyên nào sẽ đến đâu. Tuỳ duyên là một cách có thể chuyển hoá được đau khổ và vượt khỏi xoáy sinh tử. Vì không cầu mong, mà đều hoan hỷ với bất cứ chướng hay thuận duyên. Ai đi chùa, ai tu tập cũng biết đến từ Tuỳ Duyên. Và hay nói từ ấy vào khi mình gặp những ngịch cảnh, những nỗi khổ niềm đau. Nhưng mình vẫn âm thầm đi tìm những thuận duyên giống như rùa mù mải miết kiếp này sang kiếp khác tìm người tình_bọng cây.

Cõi Tịnh Độ nếu không hiểu rõ, sẽ trở thành bọng cây ấy. Cõi đó không phải là nơi toàn là những thuận duyên. Nếu mình chưa liễu ngộ được ý nghĩa của từ tuỳ duyên thì đi đâu mình vẫn nhìn mọi việc với tâm phân biệt giữa thuận, và chướng. Mình lỡ thấy Bụt Di Đà xoa đầu người khác mà không xoa đầu mình. Mình sẽ giận và ấm ức Bụt nhiều lắm, và mình cho đó là Chướng duyên. Cho nên trong Kinh về cõi Bụt Ánh Sáng, có nói rằng cõi ấy không có từ KHỔ. Vì bài học đầu tiên của chúng sanh nơi cõi ấy là TUỲ DUYÊN, và không nhìn mọi việc với con mắt nhị nguyên. Đúng-sai, Tốt-xấu, đau khổ-hạnh phúc, chướng-thuận. Đó là những ý niệm không có thực. Bị vướng vào những tư tưởng nhị nguyên này, mình sẽ đau khổ nhiều lắm, và chủng tử đố kỵ, chủng tử ngạ quỷ sẽ có cơ hội để đâm chồi nảy lộc. Mình phải gỡ những chỗ vướng mắc ấy, giống như người đi đường do sơ ý bị áo móc vào bụi gai. Người đó giữa trời nắng chang chang phải đứng lại gỡ ra, đôi khi gai còn đâm vào tay chảy máu, trầy da… nhưng vẫn phải tiếp tục vì đường còn xa, và thời gian không còn nhiều nữa,

Mỗi lần, mình cúi đầu lạy một vị Bụt, một vị Bồ tát mình hãy nguyện như vầy. Con nay có đủ hết tứ chi để làm thành 5 vốc. Con xin lạy Bậc Vô thượng trí, Bậc Chiến thắng phiền não, Bậc Từ Bi Vi Diệu giùm những loài súc sanh vì chúng không có trí tuệ để nhận biết chư Bụt, những loài ngạ quỷ vì họ không có giây phút nào ngơi sự đói khát để nhận biết chư Bụt, và những loài Địa ngục vì ngoài những đau khổ, nóng rát, kinh hoàng họ không có không gian nào để nhớ nghĩ đến Bụt. Xin lạy thay họ, và nguyện cho họ được mát mẻ, soi sáng và đủ đầy. Nếu thực tập như vậy đến lúc nào đó, mình sẽ không còn thấy mình và Bụt là 2 thực thể riêng biệt nữa. Mình ở trong tim Bụt, và Bụt ở trong tim mình. Không còn những đối tượng nữa mà chỉ còn lại lòng bi mẫn bao phủ khắp mười phương cõi đất này. Như thế là mình sống trọn vẹn trong từng động tác lễ lạy, mình sống và thưởng thức Tịnh Độ hiện tiền bằng tâm Từ Bi của Bồ tát Lắng Nghe, bằng nguyện lực oai hùng của Ngài Địa Tạng và sự tỉnh thức an nhiên của Mười Phương Chư Bụt.

Mỗi lần, mình ngắm nhìn Bụt, hay Bồ tát mình đừng xem đó là người có thể ban phước lành, người có thể cứu độ mà là những huynh trưởng, những tiền bối để mình học hỏi, noi gương và hoà điệu cùng các Ngài với tâm thành kính. Đó là mình ngắm Bụt, hiểu Bụt và nhìn Bụt với con mắt của trí tuệ, yêu thương chứ không còn hễ nhìn thấy Bụt là nghĩ đến tiền tài, danh vọng, vật chất nữa. Mình đã khoát lên Bụt những lớp màn của sự huyền bí, của cầu tài lộc từ rất lâu rồi, hôm nay chính tay mình sẽ gỡ những rèm che ấy để thấy Bụt tinh tuyền đến nhường nào. Mình gọi Phật là Bụt vì nghe có vẻ thân thương lắm ! Thấy tựa hồ như mình là đứa con nhỏ gọi cha ơi, mẹ ơi ! Từ Phật để dành cho những buổi lễ trịnh trọng và trang nghiêm khi ấy vị Thầy trở thành người chứng minh, và được khoát chiếc áo của sự oai nghiêm. Còn từ Bụt, mình dùng để tâm sự, để sẻ chia và thủ thỉ. Giống như ngày xưa, bên đạo Kitô, các môn đồ của Chúa Jesus gọi Ngài là Thầy… Lạy Thầy… nghe thương lắm ! Nó phá đi giới hạn, phá đi những rào cản của sự nghiêm trang đôi khi không cần thiết. Các vị đến giáo hoá nơi cõi thương đau này, đều muốn lắng nghe đau thương để ủi an chứ đâu cần nghe những lời tán dương sợ sệt. Chúa sẽ vui khi mình gọi Thầy ơi ! Phật sẽ vui khi mình gọi Bụt ơi… con kể Bụt nghe, con hứa với Bụt ! Bồ tát sẽ cười thật tươi khi mình gọi Ngài là Mẹ ơi ! Mẹ Quan Âm ơi… cho con phụ mẹ một tay nhé, Mẹ tần tảo sớm hôm nhiều rồi… giống hệt như đứa con nhỏ nói với mẹ rằng :” Mẹ ơi, hôm nay con vào bếp với mẹ nha ! “… có người mẹ nào nỡ lòng từ chối lời đề nghị dễ thương như vậy ?

Đây là một phương pháp rất hay để đạt đến một sự chứng ngộ khó tìm được. Người chuyên môn gọi là TÂM ĐỒNG TÂM CHƯ PHẬT, còn nếu những đứa con trong nhà khi hiểu, thông cảm và chia sẻ với Cha mẹ thì gọi là con Ngoan. Sự đồng tâm ấy không có gì khó tìm, nếu mình biết cởi bỏ lòng ham thích huyền bí, phép lạ, và những điều khó hiểu. Mình không cần phải ngồi thiền, niệm Phật, trì chú hằng giờ liền để đạt tới cảnh giới này. Chỉ cần ngồi thật vững, thật thảnh thơi, trải tâm từ ra mênh mông với hết thảy mọi loài, rồi thủ thỉ nhỏ với Bụt… Bụt ơi, xin cho con được dự phần vào hạnh nguyện của Bụt… Bụt Ánh Sáng ơi, xin cho con cùng Bụt thiết lập Tịnh Độ…

Mỗi ngày lễ Tết , cả gia đình quây quần bên nhau, cùng nhau cố gắng giữ chánh niệm, nói lời ái ngữ vì ai cũng mong năm mới sẽ có nhiều niềm vui, hạnh phúc. Ngay lúc đó, gia đình trở thành Tịnh độ, để mọi người biết tu tập ( tức là từ bi và tỉnh thức ) tụ hội về, đồng hướng về một mục đích chung là Giác Ngộ. Tịnh Độ không nằm ở phương Tây xa xăm, Tịnh độ có khả năng được thiết lập tại đây nơi những người dễ thương hội tụ. Trong đạo Kitô, Thầy Jesus nói rất hay, rất có hương vị của Tịnh Độ : Hễ ở đâu có từ hai người trở lên cầu nguyện vì danh Thầy, thì Thầy sẽ ở giữa những người đó !

Chỉ cần thân nhẹ, tâm an, miệng mỉm cười và cùng hỗ trợ nhau tu tập thì ấy là Tịnh độ, còn ở Kitô giáo là mời được Thầy Jesus về hiện diện nơi buổi cầu nguyện. Đó là phép màu có thật giữa thế gian.

Tịnh Độ có được, khi mỗi người nơi cõi giới ấy thành thục về pháp Tuỳ Duyên, để tha thứ cho nhau, hỗ trợ nhau tu tập. Mình không thấy việc tôi quan trọng hơn việc anh, mình không thấy tôi gồng gánh cõi này nhiều hơn anh, mình lại càng không thể thấy rằng vì mình tu giỏi, được gần gũi chư Phật mà tỏ ra ngạo mạn. Hay tệ hơn nữa là tôi ôm ấp nhiều nỗi khổ niềm đau hơn anh nên anh phải hiểu tôi chứ ! Sẽ không ai hiểu mình, nếu mình không tuỳ duyên mà hiểu người. Bụt Di Đà hiểu điều đó rất sâu sắc, nên Bụt hoá thành các loài chim quý ngày đêm hót vang. Những tiếng hót ấy là bài giảng pháp. Bụt hoá thành gió xao động hàng cây. Tiếng xào xạc của lá trở thành bài giảng pháp. Từ Nhất phẩm đến Cửu phẩm sen đều hiểu theo cách riêng. Bài pháp không dành riêng cho bất cứ phẩm nào mà thực sự lại dành riêng theo một cách đặc biệt. Chỉ cần hiểu như vậy về Bụt Di Đà, mình sẽ hiểu người đứng đầu Tịnh Độ phải có một tâm từ bi, và trí tuệ rộng lớn đủ hiểu tâm tánh của chúng sanh như trong lòng bàn tay. Và ý tứ đến mức sợ chúng sanh phát tâm phân biệt lớn nhỏ, nặng nhẹ mà phải chọn cách giảng pháp vi diệu như vậy.

Học ở Bụt Di Đà, mình sẽ thấy tình thương mình đưa ra hơi vô tư đôi khi trở thành sự kiêu mạn của người này, và sự tủi thân của người kia nếu như mình ở cương vị của một vị Thầy, một người lớn. Thì với địa vị càng lớn, tình thương và cách thể hiện tình thương càng phải có chánh niệm, tỉnh giác. Tình thương gây ra đau khổ, và ngã mạn là tình thương của Thế gian, đó không phải là từ bi mà chỉ là những luyến ái đời thường.

Vậy mình có thấy rằng nơi này, ngây bây giờ có thể xây dựng được một Tịnh Độ chỉ cần có sự tỉnh thức, từ bi và đoàn kết. Chỉ nhiêu đó là đủ cho một Tịnh Độ hình thành giữa Ta Bà rồi. Mình không nên xem Ta Bà là một danh từ không đẹp, nó có thể là uế trược nhưng nó là nền tảng của tất cả sự chứng đắc, là pháp của tất cả các pháp thành tựu giác ngộ. Cho nên, Ta Bà là một mảnh đất cần được chăm sóc, chuyển hoá và bồi dưỡng. Đừng phụ lòng Đất Mẹ này, khi mỗi ngày ta phải vay của đất hơi thở, ly nước,lá rau, miếng đậu phụ, mà lại thấy Đất Mẹ xấu xí, và mơ về một cõi đất ở phương Tây. Nếu ta không có khả năng trang hoàng cõi này cho tốt đẹp, thì ở cõi khác ta vẫn sẽ sống không an ổn vì gốc ta không an trụ vững chãi.

Niệm Bụt Ánh Sáng, ta phải thấy được Bụt đang ở trong ta, và đang cùng ta niệm. Từ niệm rất hay, không phải là kêu tên. Pháp môn Niệm Bụt được gọi là Tịnh Độ tông, Độ có thể hiểu là cứu thoát, giải thoát, Tịnh là thanh tịnh. Vậy tức là một pháp môn dùng sự thanh tịnh mà giải thoát chúng sanh. Do vậy, trước phải làm sao thanh tịnh tâm và thân này. Hãy thở với Bụt, hãy đi đứng nằm ngồi với Bụt. Để thấy Bụt là năng lượng rất lành, rất mát mẻ và sâu sắc. Bồ Tát Lắng Nghe dạy rằng khi niệm Bụt miên mật và đạt được thành tựu ta sẽ có khả năng ấn ngón chân cái xuống đất và cõi Ta Bà trở thành Tịnh Độ trang nghiêm. Đó không phải là khả năng của riêng vị Bồ tát ấy, mà cũng là của ta, của tất cả hữu tình này nếu chúng ta biết gọi : Bụt Ánh Sáng ơi ! Con mời Bụt về nơi đây cho con được phép ngồi thở với Bụt và Bụt cùng con niệm danh hiệu của Bụt nha !, hay giữa mọi người ta biết cách kiến tạo Tịnh Độ trong tỉnh thức trên nền tảng của pháp Tuỳ duyên.

Ta có thể chọn một phút giây nào đó, thật yên tĩnh và bình an, và tập thủ thỉ tâm sự với Bụt, Bụt ơi con không biết cách đi, cách đứng cho vững chãi và thảnh thơi. Bụt dạy con, và đi cùng con nhé ! Bụt sẽ vui lòng lắm. Không phải cứ ở chùa, ở Tịnh Độ là chắc chắn ta sẽ bước chân có tỉnh thức. Tỉnh thức nằm ở trong tim ta. Mỗi bước chân chạm xuống mặt đất là một lần ta phát khởi hạnh phúc. Vì ta có đôi chân này để bước đi, vậy xin dùng đôi chân này để mang đến lợi lạc cho tha nhân, cho hữu tình. Đi tỉnh thức không phải là đi cho thật chậm, mà càng không phải là đi nhanh. Mà đi phải có oai lực, và kiểm soát được đôi chân này, đôi tay này. Có những đứa trẻ bị bại liệt, chúng không có đôi chân để đi trên đất nhưng chúng vẫn là những thành viên của cõi Bụt, vì chúng đến đó bằng Tâm vươn lên khỏi nghịch cảnh như đoá sen vượt thoát bùn nhơ. Trong khi ta có đôi chân là có thêm một phương tiện nữa để vào cõi của Bụt Ánh Sáng ngay khi ta còn hiện diện ở Ta Bà này. Vì đường xá nơi cõi ấy toàn là pha lê, dát vàng bạc nên bước chân ta sẽ phát khởi được chánh niệm. Nếu ngay thời điểm này, ta không có chánh niệm trong từng bước đi, thì khi về cõi ấy ta sẽ luýnh quýnh, ngượng ngùng biết chừng nào ? Khi ở chùa, ở cõi Cực Lạc, chắc chắn cũng sẽ có những vị Thầy, vị Bụt giao cho ta công việc. Mình gọi là Phật sự. Phật sự là làm công việc cho Phật. Vậy mình không thể công việc ấy với cái tâm, cái ý hệt như làm thế sự được. Không thể để chút lửa sân, chút kiêu mạn vào từng động tác nhỏ. Phải ý thức, bình đẳng, và từ tâm ấy mới là ý nghĩa thật sự của Phật sự. Không phải làm vì công việc, mà làm vì lợi ích của hữu tình, không phải làm vì bản ngã mà làm vì Bồ đề tâm của mình và tha nhân, không phải làm vì ông Bụt ngồi trên điện thờ mà làm vì hàng ngàn, hàng vạn vị Bụt đang ẩn tàng trong mỗi người xung quanh. Nếu làm với tâm như vậy, ta sẽ thấy việc nào cũng vừa sức, việc nào cũng sẽ thành công, việc nào cũng đẹp lòng chư Bụt mười phương.

Danh hiệu Bụt không phải chỉ là tên gọi đơn thuần. Mỗi danh hiệu gắn liền với nguyện lực sâu dầy của vị Bụt ấy. Cho nên khi ta niệm Nam Mô A Di Đà Phật thì ta phải hiểu đó là tập hợp của nhiều yếu tố mà điển hình là trí tuệ, từ bi, an lạc… và ta cho chúng mặc nhiên theo hơi thở này ngấm vào trong từng tế bào của ta.

Khi ta niệm Bụt và bước đi trong chánh niệm thì ở cõi Cực Lạc, ta đã có mặt thông qua hình ảnh của đoá hoa sen. Tức là ta đã góp phần làm đẹp cho Tịnh Độ rồi…

Namo Avalokitesvara

Namo Shantideva

Nguyện những điều con viết ra trong Chánh niệm đều cúng dường Như Lai, và vì lợi ích của hữu tình.

Nguyên Huệ

( đêm tịnh tâm, 28/8/2010 )

Thứ Năm, 26 tháng 8, 2010

Avalokitesvara

Hằng đêm, tịnh tâm vài ba phút. Giây phút rất ngắn. Nhưng để có dịp nghe hơi thở, vào ra, ra vào đều thật đều. Có đôi lần, chợt nghĩ, ừh thì mình nghe mình thở vậy là mình còn đang sống. Sống khoẻ, sống có tỉnh thức như vầy.




Có một người bạn, lâu rồi không gặp, bạn nói với tôi là nước và lửa không ghét nhau, nhưng không thể ở cùng nhau được. Nghĩ vậy mà sao thương thân này quá, bao nhiêu năm nay nước, lửa, gió, và đất cứ ở mãi cùng nhau. Kị nhau ra mặt chứ có vui vẻ gì đâu.



Nhưng bù lại, ở giữa những trận chiến tưng bừng của 4 thứ không hạp tánh nhau, ta còn có hơi thở. Cảm ơn hơi thở nhiều lắm, hơi thở có biết không ? Hơi thở cho ta chỗ đứng tách ra khỏi những cuộc binh đao, để nhìn, ngắm và suy niệm. Chỉ suy niệm thôi, chứ không phân ra bên chánh, bên tà hay bên phải, bên quấy. Suy niệm để thấy thương cho thân này. Có lẽ nó mòn mỏi lắm rồi.



Và nghe hơi thở như vậy, nhìn những cuộc chiến, qua đi, diễn lại, qua đi… bất tận thiên thu. Một hôm hơi thở nắm tay, dẫn ta vào một vùng đất mới. Vùng đất ấy nằm giữa những cuộc chiến ác liệt, nằm lẩn khuất trong lớp khói bụi mù mịt của binh đao. Đó là một cõi thiên đường. Nơi ấy, hơi thở mời ta ngồi vào vị trí của đoá hoa, của ngọn núi, của hồ nước. Ta thấy sao mà tươi mát, vững chãi, và tĩnh lặng đến vậy ! kỳ lạ quá.



Vậy là bên dưới những cuộc chiến, luôn có góc khuất, sử ẩn tàng của bình yên. Nếu khéo tay một chút, ta có thể phát huy năng lượng tươi tắn của đoá hoa để làm an dịu binh lửa. Nếu khéo nghĩ một chút, ngọn núi giúp ta an trụ giữa đời này. Bận rộn nhiều thứ quá, nhưng ta vẫn có khả năng nắm tay công việc, dắt dìu, lèo lái công việc theo ý của ta. Ta là ngọn núi sừng sửng để tiền bạc, cảm xúc không kéo lôi ta đi xềnh xệch như bấy nhiêu năm đã qua. Ngọn núi làm cho lưng ta thật vững, đầu ta ngẩng cao dù đời có chê cười, trách móc, dỗi hờn. Ta biết, chất liệu của sự vững chải đang nằm nơi đây. Nơi hơi thở này.

Rồi hồ nước. Bao nhiêu ngày tháng ròng rã, ta đi qua bao nhiêu hồ nước, ngắm mình nơi mặt nước tịnh bình an, vậy đó, vậy mà ta quên mất ta cũng y chang như mặt hồ. Bấy lâu nay ta cứ để chiến tranh, trận mạc làm mặt nước tâm bị khuấy động, rộn ràng. Bữa nay, nhờ sự dìu dắt của hơi thở. Ta thấy ta có khả năng nhìn mọi vật với lòng không phân biệt. Thấy người kia mặt mài kênh kiệu ta không bực tức, thấy những cảnh hớ hênh tâm không còn ngóc đầu dậy, bò loe nghoe. Không để tâm chạy theo những thứ bên ngoài nữa, mà nơi này, tâm là hồ nước. Ngoại cảnh thay đổi, hình bóng phản chiếu thay đổi nhưng bản chất tịnh lặng của hồ tâm vẫn ngàn đời là thế.




… ta mải mê với 3 sự kỳ diệu quá đổi kinh ngạc mà hơi thở mang đến. Nhưng hơi thở ghé sát vào tai, và nói nhỏ nhẹ rằng :” mấy điều trên cũng bình thường mà thôi, còn một điều nữa mới là tuyệt đối !”… ta lặng đi, điều gì ngoài sự tươi mát, vững chải, thảnh thơi nữa. Chỉ cần bấy nhiêu ấy, hành trang vào đời vạn biến đã đủ lắm rồi. Nhưng mà Thở khuyên như vầy, anh ráng chút xíu nữa đi, để em sẽ dắt anh vào một vùng này. Không có hoa, núi và hồ nước nhưng là có tất cả. Vì tò mò, ta ngồi lại, cho thiệt yên thiệt tĩnh và bắt đầu thả trôi theo hơi thở có ý thức…

Và sự kỳ diệu bắt đầu… Ta không còn cảm giác của cuộc chiến, không thấy binh đao là thật nữa. Chúng hình như là có, mà cũng có vẻ là không. Hơi thở dẫn ta vào với không gian bên trong. Mêng mông, bao trùm và tràn đầy những bí ẩn.




Nơi vùng đất trống không, mênh manh ấy, tự dưng ta thấy những hạt giống trôi lơ lửng. Hạt giống đợi đủ duyên mà nẩy mầm. Trong không gian ấy có sẵn, và đầy đủ những yếu tố mà hạt giống cần. Chút hơi ấm, chút đất, chút nước, chút xíu không khí. Ta không nhìn thấy cây ở đâu hết, vậy mà chớp mắt cây xuất hiện. Chớp mắt cây biến mất.



Hơi thở vẫn đều đặn vào ra…



Vùng không gian ấy cứ ngỡ là không, nhưng mà bao trùm tất cả. Nói là không cũng đúng, mà có cũng được. Vì nơi đó có đầy đủ những yếu tố để kích hoạt cho sự ra đời, cũng như sự kết thúc.



Vùng không gian ấy nở lớn ra đến vô cùng cùng hơi thở chánh niệm.



Khi tiếp xúc với màu nhiệm bông hoa, ta bị vướng vào sự tươi mát. Với ngọn núi, sự vướng mắc là phải thiệt vững vàng…. Còn sự vô phân biệt thì nơi hồ nước. Còn đối với cảnh giới này, ta thấy rằng ta có thể là bông hoa, cũng có thể là ngọn lửa, là ngọn núi mà cũng có thể là cây cỏ bé nhỏ, là hồ nước tịnh mà cũng là hồ nước động. Miễn là ta có mặt trời chánh niệm, ta biết rằng hình như ta đang là như vậy.



Hình như có sự tươi mát



Hình như có sự vững chải



Hình như có sự thảnh thơi.



Tất cả là hình như, người chuyên môn họ gọi là “như”. Có người bảo “như thị “ là hình như tôi nghe như vầy, “như lai “ là hình như tôi có đến. Không nghe cũng được, không đến cũng chẳng sao. Vì chỉ là “như” thôi mà. Tiếp xúc với màu nhiệm của không gian trong tâm thức, ta như đứa trẻ lần đầu được đi máy bay, ngắm nhì từ ô cửa kính thấy cả không gian sao mà rộng lớn vô biên đến vậy. Thấy mọi việc rõ như ban ngày, và mỉm cười thật an nhiên khi dòng đời trôi đi bất tận.



Ta không dừng lại giữ dòng đời vì ta sẽ bám riết lấy nơi ta đứng.



Ta càng không thả trôi theo dòng huyên náo vì ta sẽ tan đi mất.



Mà ta phải như là đang đứng, như là đang trôi… Không gian cho ta phép màu của từ “như”… có vẻ là thế, không cũng được, mà có cũng chẳng sao, chỉ cần ta biết tỉnh thức từng sát na… Từng sát na trôi liên tục, và dòng tỉnh thức cũng tuôn tràn miên mật như một dòng suối pha lê , hay ai đó thích gọi là lưu ly, xa cừ, mã nảo. Dòng tỉnh thức không cuốn ta đi, mà làm ta an nhiên, “như lai” giữa đời này.



Hơi thở giới thiệu ta một cư dân già nhất nơi cõi không gian, vị ấy tên là Quán Tự Tại.Gặp vị ấy, ta cúi đầu chào thật lễ phép vì ta là khách vô tình lạc vào cõi này. Vị mỉm cười thật an nhiên. Hơi thở khẽ nói, vị ấy tài lắm, có thể biến hoá khăp nơi nơi, đi khắp nơi chỗ…. Tự dưng ta cũng mỉm cười, ta thỏ thẻ : ừh, nhưng mà tôi cũng làm được như vậy, chỉ cần hơi thở luôn bên tôi…



Bất chợt, chuông đồng hồ reo vang inh ỏi… ta bước ra khỏi thế giới vi diệu ấy mà chẳng chút hối tiếc nào mặc dù ta còn muốn ở đó, để nghe cư dân tên Quán Tự Tại kể về không gian vô tận bao la ấy.

Bên ô cửa, dòng đời cuồn cuộn chảy và gầm lên như thác. Hôm nay, ta không thấy sợ dòng đời, sợ khói bụi nữa. Ta mỉm cười, khẽ nói nhỏ :” Namo Avalokitesvara”…
Giữa cõi lăng xăng người ta bảo có một Tịnh độ. Thiệt là vô lý. Nhưng cũng quá chừng hợp lý với những ai thấy mình đương hình như đến, hình như đi giữa đám bụi mù khơi.



Nguyên Huệ

Thứ Ba, 24 tháng 8, 2010

CHUYỆN NGẮN NGŨN NGÀY VU LAN

CHUYỆN THỨ NHẤT




Cả ngày hôm nay, người ta thôi không buồn động đến từ sát sanh. Bình tâm lũ lượt vào chùa lạy Phật và hít khói. Phật trên cao, cao lắm. Phật cười thật tươi, ừ, tâm thành ta sẽ chứng cho.



Phật nói vậy thôi… ừh chỉ là lời nói. Phật còn nhìn chúng sanh gieo gặt triền miên. HÔm nay dừng gieo, dừng gặt ở chợ đời rồi lại rủ nhau về chùa xin gặt của Phật. Cầu con mua may bán đắt, cầu con sống lâu, cầu con có vợ đẹp, con ngoan… cầu con lấy được anh Việt kiều, đại gia... Phật nghe muôn vạn lời cầu xin. Thấy sao tội chúng sanh nhiều quá. Xin những điều ngày xưa Như Lai bỏ đó, tóc tai cắt lại gói gọn trao về. Bây giờ chúng sanh xin dữ quá, Phật phải quay về tìm lại… nhưng vô thường rồi thì tìm ở chốn nào ?



Có một đứa nhỏ, áo ngà ngà vàng. Tay cầm xấp vé số, cũng bước vào cửa Phật. Trên chiếc áo thiếu bột giặt siêu sạch, siêu tẩy trắng những vết ố lan dần… bên ngực trái còn bảng tên, phù hiệu… cũng rách tả tơi. Nó mếu máo quỳ trước bàn Phật, vừa khóc vừa nói : “ Phật ơi, cho con bán hết xấp vé số này, nuôi má con nằm nhà thương, ba con bị liệt bán thân bất toại ! Phật ơi …”



Những tiếng kêu Phật, xen lẫn với tiếng nấc. Mặt lấm lem bụi đường, tóc xơ ra vì những cuộc chào mời giữa trưa hè nắng cháy. Thằng bé ngồi bệt nơi chánh điện, mặc kệ mọi người lũ lượt khấn xin.



Mùi khói, mùi mồ hôi quyện với tiếng khóc. Không khí càng thêm nặng trĩu…



Phật nhìn thắng bé, sao thương quá ! từ sáng sớm đến giờ, chỉ có mình nó là cầu xin bán được về nuôi mẹ. Đứa trẻ có hiếu, nay đã vào chùa, sao có thể về tay không được ?



Mỉm cười thật an nhiên, Phật khẻ niệm một câu thần chú. Tức thì, nhờ oai lực của chú thần, mọi người phát khởi tâm từ bi, xúm xít nhau mua hết cả xấp vé số. Thằng bé còn ngẩn người ra chưa hiểu chuyện gì, chợt có vài người dúi thêm vài tờ tiền xanh đỏ vào đôi tay đen nhẻm đầy đất cát. Nó mừng quýnh, chỉ biết lắp bắp : cám ơn cô, cám ơn chú,.cám ơn và cám ơn...



Nó chạy như bay ra khỏi cổng chùa… trưa Vu Lan nắng như đổ lửa. Vườn chùa vẫn vương đầy khói nhang. Trên cao, cao lắm, ở tận Niết Bàn, Phật nói cùng chư Bồ tát, trong số chúng sanh hôm nay, có một đứa trẻ biết lấy hiếu hạnh làm đầu…

 
CHUYỆN THỨ HAI


Các chư Bồ tát nghe Phật dạy thế, bèn cùng nhau tìm thằng bé đặng phù hộ cho nó. Các vị bay đến trước cổng chùa ban nãy, xa xa… trong con hẻm nhỏ gần đấy. Có người phụ nữ cũng lấm lem, ra vẻ hung tợn lắm ! nắm xốc lấy cổ áo mục nát , vàng khè của thằng nhỏ đen như bụi đường. Bàn tay va vào da mặt chan chát… mày làm gì mà giờ này mới đem tiền về, tao đánh mày gãy chân cho mày đi ăn xin… thằng nhỏ mếu máo, khóc bằng những giọt nước mắt dư lại hồi nãy, “con lạy má, má tha cho con !”…



Gió bên kia đường, thổi lồng lộng vào tận cửa chùa. Vườn chùa xao xác. Trong chánh điện, vẫn những tràng dài về chuyện nhân gian vô thường.



Phật trên bàn thờ vẫn cười. Chư Bồ tát bằng tượng đá vẫn toả vẻ bình an… Có ai nghe được, các vị bảo nhau rằng :” Ừ, thì chúng sanh…”

Thứ Hai, 26 tháng 7, 2010

ĐIỀU MÀU NHIỆM


ĐIỀU MÀU NHIỆM

Mỗi buổi sáng, ta bước chân thật nhẹ ra khu vườn. Thấy bông hoa đang nở khẽ khàng đón nắng mới, thấy đôi bướm chập chờn vui đùa. Những niềm vui bất tận của cuộc sống cứ bày ra đầy ăm ắp trong thứ ánh sáng kỳ lạ của ngày mới. Mỗi sự sống là một điều màu nhiệm.


Bông hoa ngày hôm qua còn đương là nụ e ấp. Nụ hoa hôm kia còn bé tí ti, xanh xanh lẫn trong màu lá. Và nhiều hôm trước nữa, nụ hoa ấy chưa chịu xuất hiện. Nó nằm ẩn khuất trong thân cây, trong lá. Vậy mà bây giờ như một phép màu, bông hoa tươi mát ấy đang tô điểm cả một góc vườn.

Khi mình trồng một loài cây có hoa. Mặc dù cây chưa đơm bông, nhưng nhìn vào cây mình sẽ thấy có những nụ hoa, những đoá hoa nằm ngủ trong thân cây. Tại vì chúng chưa chịu thức giấc thôi. Tụi nó nói với cây rằng, phải hội đủ nhiều điều kiện lắm. Như là hơi nóng của mặt trời, ẩm ướt của nước, chất mùn của đất, nhịp thở của gió và hơn hết là sự tổng hợp, chuyển hoá của cây. Sự có mặt dù là nhỏ nhặt nhất cũng được tạo nên bởi những điều vĩ đại nhất, trùng trùng những yếu tố kết hợp lại cùng nhau.

Nếu mình nhìn kỹ như vậy. Mình nhận ra bông hoa ấy không thể coi thường được. Nó đang chứng minh cho mình thấy rằng, trong mảnh đất của sự không có, luôn có những hạt mầm của sự có. Mà chỉ cần những yếu tố, điều kiện thuận lợi thì sẽ hiện hữu mà thôi.

Vậy thì mỗi sáng có dịp ra vườn, nhìn những cây chưa ra hoa, mình đều có thể mỉm cười và nói thật êm dịu. Ta biết rồi, ngươi đang giữ trong thân một đoá hoa chưa chào đời, và đoá hoa ấy có mặt hay không vẫn đều rất đẹp, rất tươi mát.

Nơi sự tươi thắm của đoá hoa ấy, mình cũng có thể thấy được những điều không đẹp, không mát mẻ. Cây lấy chất mùn từ đất để tạo nên hoa. Nhưng chất mùn lại từ rác mà thành. Vậy ra hoa chỉ là một hình thức mới hơn của rác, cũng những lá khô vàng úa rơi rụng trong vườn. Mỗi sáng sớm, cha quét sân, gom những lá vàng, những bông hoa bị héo úa rơi vươn vãi trên đất lại. Chúng sẽ thành phân bón cho cây để bắt đầu một chu trình mới. Chu trình chuyển hoá và tạo ra màu sắc cho cuộc sống này. Hiểu được điều này, khi nhìn vào hoa ta có thể thấy được rác, và nhìn vào rác ta sẽ thấy nơi đó có những đoá hoa tìm ẩn. Và nhìn vào người không thương ta cũng có thể thấy được người mình thương đang lẩn khuất trong đó. Điều quan trọng là ta có biết cách chuyển hoá mà thôi. Ta không mang thái độ kỳ thị với rác hay người ta không thương; cũng chẳng mang những biểu hiện thái quá đối với hoa hay người thương… Đó là thái độ bình đẳng của một tâm hồn định tỉnh. Định là sự yên lặng hạnh phúc, và tỉnh là sự nhẫn biết rõ ràng. Chỉ khi nào tâm hồn mình biết bình lặng với cuộc sống này, mình mới có thể nhận thấy rõ những điều màu nhiệm đang hiện hữu. Sự hình thành đoá hoa, sự đâm chồi nảy lộc, sự héo úa, sự quang hợp hay sự trưởng thành ở bất cứ sinh vật nào cũng đều là những điều màu nhiệm. Và thái độ trân trọng là cách duy nhất mình có thể thực hiện khi hiểu ra như vậy.

Ta hứa sẽ đi dạo trong vườn thật nhẹ để khỏi làm tổn thương những ngọn cỏ xanh non mới vươn mình lên khỏi đất, sẽ để ý tránh giẫm lên những chú giun, bạn dế.

Nhìn thấy đoá hoa sẽ trở thành rác khi nó bị héo úa, và liền sau đó rác sẽ cung cấp cho cây đời một bông hoa khác. Để lòng ta thấy sao mà bình an quá. Ta có thể tin vào cả những người bất trị của xã hội này, ta tin vào một bông hoa còn e ấp chơi trốn tìm nơi ấy. Chỉ vì chưa đủ, chưa tròn đầy những yếu tố để đánh thức hạt mầm của sự tốt lành đấy thôi.

Ta thấy nụ hoa mang trong mình một sự sống bất diệt. Hoa không mất đi, hoa chuyển thành rác và từ rác… Một phần rất nhỏ sẽ là hoa mới. Bà sẽ gom rác vườn lại, phơi thật khô để nhúm lửa nấu nước. Đoá hoa ngày nào trở thành hơi ấm. Hơi ấm ấy hoà quyện với tình thương của bà sẽ nồng đượm mãi một góc quê nghèo. Ấm mãi lòng đứa cháu thị thành về quê thăm bà mỗi dịp hè đến. Và những làn khói từ bếp lửa ấy bay thật cao, thật rộng, bao phủ cả quê làng. Và bông hoa trong hình dáng là khói, cũng ôm ấp, lan toả những yêu thương.

Ai tin vào sự mất đi vĩnh viễn là người đó đã khiến cho họ mang sự thiếu sót đau lòng lắm. Không có điều gì mất đi cả, chúng chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác. Nhà vật lý học nào đó đã nói như thế về năng lượng, nhưng hôm nay bông hoa trong vườn đã lên tiếng. Ông ơi, không phải chỉ có thế thôi đâu, mọi vật trên đời này cũng bao giờ biến mất. Bản chất của vô thường thể hiện ở vạn vật, nhưng bên trong đó sự bất sanh bất diệt cũng có mặt. Tại vì ta chưa nhận ra thôi. Nơi từngế bào của ta cũng có mặt của ông cha ngày trước. Mẹ hay bảo con có đôi mắt giống hệt ông nội, có cái mũi là của ngoại. Vậy thì những người thân ta chưa gặp một lần vẫn lần lượt có trong ta. Chỉ cần ta thật định tỉnh, thật bình an ta sẽ thấy được như vậy. Và xã hội này, sẽ không có những đứa trẻ tự chối bỏ gốc gác của mình, hay những ai tuyệt vọng vì mất mát người thân.

Người ta hay nghĩ về nơi nào để đến phía sau sự chết. Nhưng quên mất rằng, bông hoa khi héo úa, nó rơi xuống ngay cội cây để tiếp tục một chu trình mới. Loài thực vật cũng còn biết quay về với cội nguồn, chẳng lẽ con người lại không thể hay sao ? Chẳng ai đi đâu xa cả. Ai đó vẽ nên sự thịnh vượng đời sau, đó chỉ là một phương tiện để thôi thúc niềm tin. Ông cha ta ở ngay đây, ngay trong từng tế bào, từng nếp suy nghĩ này. Nếu ta biết chuyển hoá làm sao cho cuộc sống ta hạnh phúc trong tình thân huynh đệ, trong yêu thương đùm bọc thì ông cha ta cũng sẽ hạnh phúc.

Chỉ cần nhìn vào một bông hoa trong vườn, ta đã được vô vàn những bài học quý báu như thế. Khu vườn tưởng chừng như bé nhỏ, nhưng không nhỏ bé chút nào hết... những điều kỳ diệu đều ẩn mình trong sự sống, một tà áo bay, tiếng chim hót, dòng suối chảy .v.v. chúng sẽ hé mở nếu ta biết cách lắng nghe, hít thở và mỉm cười trong sự tĩnh lặng của nội tâm.

Thứ Sáu, 16 tháng 7, 2010

xa xăm... những mùa dế


Khi những chùm phượng thi thoảng gieo mình xuống nền đất chai sạm, thì cũng là lúc bọn sinh viên chúng tôi được nghỉ hè. Hè sớm… rợp trong tiếng ve rả rích, hoa học trò rực rỡ mà hồn nhiên. Cùng với nắng và gió. Phố lạ với ngót ngét 8 triệu con người, mà sao thấy lòng trống trãi lạ kỳ. Phố cũng gồng mình dung chứa những khoảnh hồn quê. Có gánh bánh xèo của cô Mười Xiềm, có gốc chuối, có cây khế, có rỗ rá mây tre. Nhưng sao giữa mịt mù khói bụi, tôi cứ mãi đi tìm. Một mùa hạ, với những cơn mưa rả rích. Đêm về, bầy trẻ con đi vòng khắp xóm nhỏ, tìm bắt những con dế than, dế lửa… Trưa hè, bè bạn quây quần ở quán dừa nước bên hông trường tiểu học nhắc lại những chuyện xưa… tối đến, chạy vòng khắp phố, nhẩn nha nhẩn nhơ rồi ghé vào quá nước mía ở góc nào đó bên bờ giếng nước lớn. Nghe vị ngọt của mía, của mít, của mứt chùm ruột , vị chua phảng phất của trái tắt, rồi còn vị mằn mặn của đậu phộng muối nữa chứ ! Phố lạ khác quê, vì dòng sống trôi đi nhanh quá, dẫu ai đó có mang quê lên để trang điểm hay cho lòng khách lạ bớt quay quắt nhớ cố hương… nhưng rồi cũng đâu vào đấy. Kẻ xa quê giống hệt như cây dừa trồng nơi quán phố, lòng cứ đau đáu những quầy dừa phải cắt vội khi trong ruột chưa có lấy giọt nước lành, vì người ta sợ, quả dừa rơi gây nguy hiểm cho khách hàng. Cứ ngập ngừng, bảng lãng giữa nỗi nhớ được chấp vá bởi muôn màu xa lạ.

Bạn ở lại đất lạ, chạy như bay theo việc làm thêm, kiếm thêm mảnh bằng ngoại ngữ, vi tính. Tôi lững thững về quê, giữa buổi trưa cuối hè nắng gay gắt, trên vai cái balô nặng chịt. Tôi phân vân giữa ở lại và đi về. Ở để được trưởng thành, để vững chãi hơn, để quen với không khí của thành phố trẻ, năng động và xông xáo. Về để gần gũi với gia đình, để chiều chiều đi bộ vòng giếng với mẹ, để rảnh rang rủ đám bạn cũ tụm năm tụm bảy, để thấy lòng này bình yên khi đôi chân thôi không chạy mải miết. Thế là về quê, như một cơ hội nào đó, tôi tự học cách yêu bản thân mình cho đúng nghĩa.
Trưa về trời đầy nắng. Chiều đến mưa rả rích. Đêm thì trời ráo hoảnh. Tên thi sĩ trong tôi mừng thấp thỏm, vậy là từ trên ô cửa nhỏ, tôi được ngắm bầy trẻ con đi lang thang khắp xóm bắt dế. Tay đứa nào cũng cầm cái đèn pin, lon sữa bò. Chúng cãi nhau õm tỏi, chúng hí hửng, hồi hộp đến ú tim khi nhìn thấy một bóng dế bay chao lượn trên ánh đèn đường. Cũng như tôi của ngày ấy xa xăm.
Nhưng sao mùa dế năm nay lạ quá. Bọn trẻ biến đi như cá lặn mất tăm hơi… tôi đợi mãi nơi ổ cửa, mong chờ ánh đèn pin xoẹt ngang. Rồi cơn mưa đến, rả rích từng giọt, dần dà nặng hạt và ầm ầm trút nước. Chắc hôm nay đài dự báo khuya sẽ mưa nên ba mẹ bọn nhóc không cho chúng đi bắt dế rồi… hôm sau vậy…

Hôm sau… Hôm mốt và những hôm tiếp theo nữa, phố vẫn im thin thít. Bọn trẻ đâu mất rồi ?
Ánh đèn đường trên cao vẫn sáng. Mưa ngoài trời như thoả hiệp với sự chờ đợi của tôi, rơi nhiều và dày hơn nữa. Chợt một con dế bay vào ô cửa nhỏ, đậu trên rèm cửa. Nó múa may đôi râu dài đen nhánh. Màu vàng đỏ ửng trên đôi cánh, gù gờ những hình thù bí hiểm và hung hăn. Nó nhìn tôi ( có lẽ là thế ), ngạo nghễ cười. Dế ở đây, còn bầy trẻ bắt dế đâu rồi ? …

Tôi lang thang đi tìm nơi những quyển sách về tâm lý trẻ con, thấy chẳng ai nói về tại sao con nít không còn mê chơi dế nữa, chẳng ai nói tại sao ma lực của tiếng dế gáy mùa mưa không còn đủ mạnh ?

Và một dịp nào đó, tôi tìm ra câu trả lời, mơ hồ lắm, và chẳng thấy sách vở nào nói đến. Tôi cũng chưa đủ tự tin bảo đó là đáp án chính xác như bác Chánh Tín vẫn thường hồ hởi chúc mừng người thắng cuộc trong game show nào đó trên đài. Nó nhỏ bé, và chỉ đủ làm tôi gầt gù.. ậm ừ…

Những buổi sáng, tôi thấy bọn trẻ vai đeo cặp thật nặng, được ba mẹ chở đi như bay trên những con phố còn tươi màu nắng mới. Chúng gặm ổ bánh mì trong vội vàng và hối hả. Những đứa trẻ tóc chưa kịp chải, mắt nhắm mắt mở vì cơn say ngủ… Trong sâu thẳm những đôi mắt còn ngái ngủ ấy nhìn những cây vợt, trái cầu, quả banh của đám thanh niên ngoài bờ hồ, tôi đọc được sự thèm thuồng. Ước gì được đánh cầu, ước gì được đá banh, ước gì… và ước gì.

Những buổi trưa, nắng gay gắt như đổ lữa. Nơi ngã tư phố, những chiếc cặp to hơn cả người đeo vẫn lảng vảng trên từng con phố, ngỏ hẻm. Chạy theo con chữ, và “rinh” chữ về nhà. Mùa hạ vẫn lắt lẻo trên cao. Lớp học ấy mở ra khi ngoài ô cửa lớp còn rợn ngợp tiếng ve. Ngày xưa, bà dạy tôi con ve vì trong năm biếng học, nên hè phải ôm tập học bài. Còn bây giờ vẫn là những học sinh giỏi, đôi mắt trĩu nặng vì cặp kiếng cận dày cộm, tập trắng chữ khôi… nhưng mùa hè cứ như những con ve rả rích. Ve ve ve.. đi học hè. Người giáo viên trong lớp học hè cũng mệt, có đôi lần cô tự thấy sao mà ái nái quá, cô giống như kẻ xấu cứ giành giật mùa hạ với bọn học trò nhỏ. Gia đình cô đang nghĩ ngơi ở biển, ở núi , ở thành phố sương mù. Nhưng con chữ thời nay sao nặng quá, kĩu kịt trên vai người dạy và kẻ học. Quyển sách giáo khoa đã dày, nay lại còn dày hơn gấp bội. Những con chữ muôn đời không dạy hết, học hết cứ được nhét vào một năm học ngắn ngủi. Làm sao học hết nếu không dạy ẩu, học ẩu, hoặc dạy thêm và học thêm ?

Những buổi chiều, bọn trẻ mệt lả người đi… vẫn cặm cụi học. Buổi sáng học toán 2 người, buổi trưa học anh văn 2 chỗ, buổi chiều học lý học hoá. Tiểu học thì áp lực thì vở sạch chữ đẹp, đọc nhanh viết giỏi. Trung học thì cổng trường như chuôi kim, phải học làm sao như sợi chỉ, xỏ vào vừa vặn, khít khao. Người ta dạy bọn trẻ học chạy, chạy rất nhanh. Dạy cả những kiến thức về thiên văn, địa lý, và những công thức để chế tạo ra thuốc nổ, những định luật để lưu hành dòng điện v.v.v nhưng chưa ai dạy chúng về cách chế tác ra hạnh phúc, nghị lực và yêu thương…

Ngày hôm qua, một trong số muôn vàn bọn trẻ chạy theo con chữ. Có một đứa đã “bỏ cuộc chơi “ khi làm bài thi đại học không tốt. Nó lặng lẽ về nhà, nhắn tin từ biệt bạn bè, rồi cũng lặng lẽ cầm chai thuốc rầy uống vào ừng ực. Nó là đứa học sinh giỏi hoá, nó dư sức biết công thức chế tạo ra thuốc rầy, và độc tính của thuốc. Nhưng làm sao bây giờ ? ở trường, ở xã hội chỉ những người dạy phải chiến thắng, phải thành công… bài học về chấp nhận và chuyển hoá thất bại, đau khổ sao mà xa vời vợi đến thế ? Học vội, và tự tử cũng thật vội vàng… xa xăm ngoài kia, cũng một đứa trẻ đang chiến đấu với bệnh ung thư, đứa trẻ ấy cũng mếu máo rằng : bác sĩ ơi !làm ơn cho con thêm một ngày sống nữa thôi ! Đó không phải là lỗi của đứa trẻ tự tử, mà là lỗi của xã hội, lỗi của các bậc người lớn khi cứ ép bọn trẻ, định hướng bọn trẻ theo chiều hướng có lợi cho họ. Nhiều học sinh đỗ đại học, nhiều học sinh đỗ thủ khoa… các bậc người lớn sẽ có được nhiều nhiều thứ lắm ! Những bằng khen, những tiếng tăm có xứng đáng với mạng người hay không ?

Bọn trẻ có nghe dế gáy. Nhưng bài vở chồng chất, cả ngày mệt mỏi, phải ngủ sớm để mai còn chạy như bay theo con chữ mênh mang. Tiếng dế gáy còn lẩn khuất trong bụi cỏ, còn con chữ tràn đầy ra đường. Con chữ đem về danh dự cho mẹ cha, cho tương lai, còn con dế chỉ đem lại giây phút mơ hồ của tuổi thơ thôi… vậy giữa hai thứ, con trẻ phải chọn gì đây ?

Những người mẹ, ông bố còn nóng bừng bừng đôi gò má, khi thấy con mình còn thua con bé nhà bên vì nửa điểm môn Toán. Vậy là con nhà này phải học thêm một ông thầy dạy Toán nữa mới đủ… rồi còn biết bao nhiêu điểm số khác nữa. Môn lý, môn hoá,môn anh văn v.v.v Đôi khi người lớn bị rơi vào vòng xoáy của con chữ, nhưng khác hơn bọn trẻ, họ đứng trên phương diện của danh dự, của tự ái… con tôi phải hơn con anh. Mà có ai chịu thua ai đâu ? chỉ còn lại những tuổi thơ gắn chặt với những chuyến học “bay”.

Tôi bần thần nhìn lại xung quanh. Quê tôi giờ cũng như phố lạ. Đang chuyển mình trên con đường phát triển. Những nhân tài đỗ hai trường đại học, những anh kỹ sư, giám đốc cố bám trụ lại nơi đất lạ. Quê phải oằn mình, đào tạo, oằn mình hun đúc. Làm sao cho phố lạ thừa thãi rồi thì nhân tài sẽ tự động về lại quê thôi. Về để thấy trời ơi, mình thua bạn bè ở phố nhiều quá ! ở đây là mất tương lai, ở đây là đói triền miên không sắm được xe “hộp”, nhà cao. Và bạn thấy thở không nỗi, mệt nhoài, chán chường. Nhưng biết đâu rằng, quê cũng mòn mỏi lắm rồi. Người quê chạy, và hồn quê cũng phải chạy. Chạy để tự biến mình giống như phố lạ. Xa xăm, ngút ngàn những cao ốc chọc trời… Con dế và người bắt dế trở thành huyền thoại. Khi ấy, cha mẹ giở sách cổ tích đọc cho con hằng đêm. Ngày xửa, ngày xưa, đã lâu lắm rồi, có đám trẻ mùa mưa tụm năm tụm bảy đi bắt dế…
Đêm nay, con dế ấy lại bay đến đậu trên bệ cửa nhỏ. Nó nhìn tôi, ánh nhìn quay quắt. Anh ơi, sao tôi ao ước bị săn đuổi, bị tìm kiếm... Tôi nhanh tay chộp lấy nó, nghe nó vùng vẫy trong lòng tay. Lặng lẽ lên sân thượng, nơi gốc khế kiểng, thả ra, và tôi bảo nó hãy ráng bay thật xa, làm một chuyến phiêu lưu như chú Dế Mèn, về đến những vùng đất vẫn giữ được linh hồn của quê, của những mùa dế rộn ràng… Hình như nó nghe lời thật, vụt cánh bay đi trong màn mưa lất phất…

Tôi phải chọn gì đây giữa thoáng bình yên và tương lai phía trước ? Âm thầm, tôi thu xếp áo quần… ngày mai, tôi bước lại vào vòng xoáy, của con chữ, của kinh nghiệm, của hơn thua. Khép lại trọn một tuần quê dai dẳng. Và trong bao la những xoáy đời,có đôi lần tôi nghe tiếng dế gáy… khe khẽ, rả rích. Những mùa dế tuổi thơ.

Thứ Hai, 31 tháng 5, 2010

một chút ơn đời


Đêm vắng, thuyền trôi
Đường về Bảo sở xa ngai ngái
Một hoá thành, huyễn hoặc
Thoáng bình yên…
Ngọc châu giữ đó, không quen biết
Tìm mãi bao giờ, tìm mãi đâu ?



Mùa mưa bắt đầu. Giữa phố lạ, đôi khi ta thèm khát một góc quê nhà. Có tiếng ếch kêu, có tiếng dế gáy… và hơn thế nữa, phóng tầm mắt ra xa thật xa là đồng lúa, mênh mang kì ảo trong màn mưa trắng đục.
Giữa phố lạ, ta bắt đầu quen với nhạc Trịnh. Những biến tấu của ngôn từ. Có người bảo Trịnh viết tình ca, có người cãi rằng ông viết Đạo ca. Giữa bộn bề những cô đơn, giữa tiếng mưa, giữa quá khứ và tương lai… ta chợt nhận ra rằng, ông chép lại Tâm ca của chính ông, và của cả thế gian này.
Tâm ca không phải là những triết lý dày đặc ngàn ngàn trang giấy. Tâm ca càng không phải những lý luận là rối óc người đọc ở lần đầu tiên. Tâm ca không làm người nghe chết ngộp giữa vô vàn những thăng hoa cảm xúc… Tâm ca là khúc ca được viết ngay trong hiện tại. Có lẽ khi ông sáng tác, ông đã ngồi trong đêm, hay nơi quán café nhỏ ở góc phố. Nhưng ta dám chắc chắn rằng ông viết nhạc khi đương ngồi thật thảnh thơi trong cõi yên bình của thực tại. Và Tâm ca đã vang lên như “chút ơn” “cho đời”. Bình yên đến mà không cần phải gọi mời.
Ai đó bảo rằng Trịnh tương tư một bóng hồng để viết nên bài hát ấy. Nhưng hình ảnh “em” ấy sao mà nhạt quá, chỉ vài đường nét thôi. Môi hồng, tóc trầm, vai thơm. Cuộc sống là một chuỗi dài, rất dài những con đường được hoạch định phải có mục đích. Và khi nghe một khúc Tâm ca, xin ta đừng vội gắn vào đó một hình ảnh cụ thể. Ta đi tìm Bống của Trịnh, ta đi tìm Diễm của Trịnh. Và có thể là tìm ra. Nhưng đến với chút ơn đời này, ta lúng túng quá. Sao mà tìm không ra nhỉ ? Hình ảnh đưa ra mơ hồ quá, nhưng với sự suy tôn của đoản Tâm ca, hình ảnh ấy đẹp lên như một phép màu. Ta hay cần có một cây thước để đo. Đo chiều dài, đo sự sáng, và cuối cùng là đo cái đẹp. Nhưng cái đẹp ở bài hát này, không phải là cái đẹp cụ thể, hữu hình. Nó như có đó, mà cũng như không. Chính vì cái đẹp ấy… những vùng đất lạ, những hoá thân của Trịnh bắt đầu được mở ra. Thật nhẹ nhàng giữa đôi bờ, có và không…

“Tôi tìm thấy tôi theo từng gót xa
Làm lời hát ca trên đường đi
Tôi tìm thấy tôi như giọt nắng kia
Làm hồng chút môi cho em nhờ
Môi thiên đường hót chim khuyên
Ôi tóc trầm ướp vai thơm
Ta nghe đời rất mênh mông
Trong chân người bước chậm chậm.”

Trịnh tan vào giọt nắng, tan vào từng gót chân của “em” bước trên hè phố vắng. Ông thấy trong giọt nắng cu(ng có sự hiện hữu của ông. Và chính sự hiện hữu tuyệt diệu ấy, đã làm cho vẻ đẹp bất sinh bất diệt thêm phần mềm mại và dịu dàng. Trịnh trở thành cái đẹp ấy, và cái đẹp ấy trở thành ông. Trịnh không mất đi, vì ông là giọt nắng, là những gót chân vui tung tăng trên hè phố. Chỉ khi nào giọt nắng không hoà mình vào cái đẹp, những gót chân không làm vang lên những lời hát ca bất tận thì khi ấy Trịnh mới thật sự không còn nữa. Và lúc ấy cái đẹp cũng không còn.
Và khi người nhạc sĩ chép Tâm ca ấy, thấy rõ được cái đẹp, từ những âm thanh thiên đường, tóc trầm và vai thơm… trên đôi môi ấy, những tiếng hát trong vắt, ngọt ngào của chú chim khuyên được tung bay giữa phố lạ. Khi nào, ta nghe được tiếng chim hót và cảm thấy rằng sao âm thanh ấy tựa hồ như thanh âm từ thiên đường vọng đến thì lúc ấy ta đang ở nơi của Trịnh đang đứng hồi viết bài hát này. Nghe chim hót. Mấy mươi năm nay ta nghe mải rồi. Khi ta chạy như bay đến sở làm, trên cao chim vẫn hót. Khi ta lo sầu giữa bệnh viện vì một một kết quả xét nghiệm không tốt, trên cao chim vẫn hót. Khi ta đứng ngồi không yên với bộn bề cuộc sống, thì chim vẫn hót trên cao. Ta chỉ nghe đó là tiếng chim, tiếng của một loài vật nào đó. Chưa bao giờ, ta thử dừng chính ta tại. Những giận hờn, lo toan, tham muốn của ta ngăn ta không tiếp xúc được với tiếng chim hót, ngăn ta không thấy bóng dáng mà ta “chợt thấy đi về bên kia phố” là biểu hiện của cái đẹp bất sinh bất diệt. Ta hay so sánh con chim này hót luyến không hay, bóng hồng này không đẹp bằng những cô đào, người mẫu. Cuộc sống đã cung cấp cho ta quá nhiều những thước đo. Hãy đến với hạnh phúc, mà không cân đong đo đếm, không đem hạnh phúc bỏ và khuông mẫu. ta sẽ nghe được như Trịnh. Chỉ một tiếng chim thôi, mà cà cõi Thiên đường đã hé mở. “em “ đến để làm thay đổi đời tôi, mang tôi ra từ một nỗi buồn thân phận nhỏ bé. Hoá ra cõi đất này là thiên đường, hoá ra cõi đất này đẹp như vậy mà sao ta không nhận ra. Ta cứ ngày đêm ôm ấp rằng… “trên từng vành nôi là từng nấm mồ. Sớm mai này lại khóc thiên thu”. “em” đến để chỉ cho tôi rằng, trong tôi không chỉ có mầm của sự chết, tôi còn có hạt giống của sự trường tồn. Vì em nhắc tôi rằng tôi có mặt trong tất cả mọi thứ. Tôi là mọi thứ, và mọi thứ là tôi. Những suy nghĩ, chán chê về sự mong manh đời người “tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người” đã hết. Nhờ “em” cả đấy “em” có biết không ? Chỉ một lần ta tiếp xúc với hiện tại, ta sẽ thấy hiện tại đẹp đến vô ngần. Vậy mà ta đâu hay đâu biết. Ta mải chạy, chứ đâu có “bước chầm chậm” như vầy.
Trịnh nói với ta rằng chỉ cần bạn đi với tôi, đi thật chậm, thật chậm. Bỏ hết những thước đo, định kiến, nỗi khổ niềm đau, dự án, hoạch định xuống đó. Bước cùng tôi để ngắm nắng, hít thở khí trời, nghe chim hót là bạn sẽ thấy “em”_hiện tại đẹp như thế nào, đẹp đến mức tôi không biết viết ra sao. Chỉ dám lấy những tinh tuý của thiên nhiên mà so sánh, hương trầm, màu nắng, tiếng chim. Bạn sẽ vỡ oà ra rằng sao mà “ đời mênh mông” đến thế, rộng rãi và tràn đầy hạnh phúc đến lạ kỳ. Sao không còn là nơi ôm ấp đầy những đau khổ của phận người. Đời rộng quá, mênh mông quá những cái đẹp trường tồn. Vậy thì sao ta phải vội vàng ?
“còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi”
( Xuân Diệu)

Trịnh đang vỗ vai Xuân Diệu và nói thật nhẹ nhàng rằng, anh ơi, ta còn mãi đây. Ta chắc chắn sẽ không mất đi, nếu ta biết tiếp xúc với hiện tại màu nhiệm này. Nếu ta biết bước đi chầm chậm. Đừng vội vàng nữa, sóng và nước chẳn phải là hai.
“Hãy còn bước đi cho bình minh lên sớm
Cho đời chút ơn biết tà áo nọ
Em là phấn thơm cho rừng chút hương
Làm lời hát ca cho trần gian”

Đã bao lần ta gục ngã ? Trịnh bảo ta rằng, hãy đứng dậy nào, hãy bước đi. Chỉ cần một tà áo bay là đã đủ làm “ơn” cho cuộc sống này rồi. Chỉ cần sự sống được thể hiện mềm mại qua tà áo bay trong gió lộng là đủ mang lại bình minh. Vậy thì cuộc sống này cần được duy trì bởi những điều tưởng chừng như bé nhỏ đến vô vàn. Một bước chân kéo dậy cả mặt trời, một tà áo giản đơn cũng đủ làm nhân loại mang ơn. Bởi vì em ạh, em không hề bé nhỏ, vô ích. Trong em là tất cả cuộc sống này, và ngược lại. Em có thể là người ngày hôm nay vừa được nhận tin mình mang bệnh ung thư, có thể là người thất bại nặng nề trong cuộc sống, có thể là một đứa trẻ khuyết tật bẩm sinh, có thể là kẻ mang tất cả những bất hạnh của đời này. Nhưng em ơi, chỉ cần em gật đầu đồng ý cho sự sống hiện diện nơi em. Dù là phần bé lắm, nhỏ lắm. Nhưng đó vẫn là cách em mang lại cho cuộc sống này những món quà quý giá nhất.
Trong khu rừng có muôn vạn mùi hương, em là một trong vô vàn những loại phấn thơm của rừng. Nhưng nếu thiếu em thì không còn bình minh, không còn hương của rừng, không ơn huệ ở đời. Và đời này sẽ im bặt những tiếng ca. Em hát ca cho “trần gian”, và “trần gian” cũng đang hát ca về em.
“Dưới đường phố kia có người nhớ em
Nằm mộng suốt đêm trong thiên đường”

Trịnh tựa như đang thốt lên rằng, tôi đã tìm được sự sống từ em, trong lần gặp bỡ bất chợt nơi góc phố đầy nắng và rợp tiếng chim. Để khi ấy, tôi tiếp xúc được với màu nhiệm bất biến nơi cõi đời này. Nỗi nhớ ấy, không hẳn là nổi nhớ. Mà là một sự giao tiếp thực sự, giữa ông và cái “đẹp” trường tồn. Lần gặp gỡ ấy, mang tôi trở về với thiên đường. Cuộc sống này bên cạnh những bất công, đen tối, giả trá và mong manh lại cũng chính là thiên đường sao ? Thiên đường với nắng, gió, thanh âm, hương thơm, và hơn hết nữa là không dễ vỡ, không chút gì là vô thường cả. Đó không phải là giấc mộng, mà là cảm giác của người lần đầu tiên bước ra khỏi đau thương của nhân gian, và dần tiếp xúc được với bất biến của hiện tại.




Nghe bài hát này, mỗi buổi sớm, tôi lại vượt qua được những nỗi đau của chính tôi, vượt qua được những thất bại, nhọc nhằn. Để khoát lên mình một chiếc áo tinh tươm của những lời yêu thương, để đeo trên cổ trang sức lóng lánh của nụ cười… vì tôi biết, khi “mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”… đấy là lúc, tôi còn có thể cho đời, và đời sẽ cho tôi.

Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2009

thay đổi... và từ những vòng tay



... SẮC MÀU ( Trần Tiến)
Một màu xanh xanh, chấm thêm vàng vàng Một màu xanh chấm thêm vàng cánh đồng hoang Một màu nâu nâu, một màu tím tím Màu nâu tím mắt em tôi ôi đẹp dịu dàng Một màu xanh lam, chấm thêm màu chàm Thời chinh chiến đã qua rồi sắc màu tôi Một màu đen đen, một màu trắng trắng Chiều hoang vắng chiếc xe tang đi thật vội vàng Một đường cong cong, nối bao đường vòng Họa người dưng nhớ khuôn mặt bắt hình dong Rồi một đêm chơi vơi, làm sao vẽ bóng tối Làm sao vẽ cánh hoa đêm không màu Một đêm nhớ nhớ, nhớ ra mình một mình Một đêm nhớ nhớ ra mình đã ở đâu đây Một đêm trong đêm thâu, một vầng sáng chói lóa Một đêm nhớ nhớ ra ta vô hình.

... một ngày nào đó, khi nỗi đau khổ dâng lên đến cùng cực, nó rúc vào vòng tay mẹ mà khóc, khóc đến ngập tràn... những dòng lệ chảy dài, dài mãi như một dòng sông.
một ngày nào đó, khi niềm hạnh phúc dâng lên đến đỉnh điểm, nó vẫn chạy vào vòng tay mẹ để chia sẻ cùng mẹ niềm hân hoan ấy...
rồi nó lớn dần, tự dưng cảm thấy vòng tay mẹ không đủ lớn để ôm lấy nó, nó thì mỗi ngày một lớn, vòng tay mẹ vẫn thế... vẫn chỉ vỏn vẹn một tâm hồn. Và rồi nó đi tìm những vòng tay khác, nó chạy theo chúng, và đau khổ, vật vã khi những vòng tay người đời bỏ nó mà đi, và đôi lúc hiếm hoi được một chút gì đó yêu thương, ấm áp từ những vòng tay ôm siết ấy.... và trong đêm, đôi lần nó về nhà, đóng sầm cửa phòng lại, thất bại hay hạnh phúc từ những vòng tay ấy.... những nụ cười và vết thương, lan dần cùng nhau, hòa quyện cùng nhau...
vết thương ẩn dưới những nụ cười, và đau khổ ôm lấy niềm vui, vật vã và lăn lộn....
nó biết thế, nhưng vẫn cứ chạy đi tìm... "để tìm ai không rõ tìm ai"
đêm... về nhà... mệt nhòai... buồn bã... mẹ hỏi.... im lặng
đêm... về nhà... mệt nhòai... hạnh phúc... mẹ hỏi... im lặng
dài và dài mãi những đêm như thế...
rồi một hôm mệt nhòai với những vết thương, đau khổ với những nụ cười, nó quay về nhà trong vô cảm... màn đêm cũng như ánh sáng, và nhận ra một điều rằng, nếu đi đến tận cùng của niềm vui sẽ tìm thấy được nỗi buồn, và đến tận cùng của đau khổ thì là hạnh phúc... "rồi một hôm bên đời mệt nhòai"... nó ngả lưng xuống nền gạch lạnh tanh, nghe cô đơn len lén bò dậy trong tim, tự dưng nó bảo với chính nó, cái mày chạy trốn gần 5 năm nay đang ngồi dậy, và trong suốt khỏang thời gian ấy, nó đã lấy bao nhiêu hòn đá đè lên mớ cỏ cô đơn không cho chúng bò dậy, đã mượn bao nhiêu vòng tay để ôm siết, đã mượn bao nhiêu nụ hôn để nồng nàn để cái gọi là cô đơn ấy dịu đi, vơi đi... vậy mà những đam mê, những xúc cảm ấy chỉ là vô vọng... chúng thất bại trước cô đơn, hệt như nó mệt nhòai, đuối sức trước những vết thương và nụ cười... nó dợm đứng dậy trong đêm, và quỵ xuống vì mệt và vô vọng, 5 năm là một khỏang thời gian dài , nó đã chạy, chay như một con vật đói tìm mồi, chỉ để thỏa mãn, và né tránh... hệt như một con linh cẩu tìm mồi, dù là thịt thối hay phải đánh cướp... và miếng thịt ấy giúp con linh cẩu tồn tại, và những vòng tay những môi hôn giúp nó sống và chống chọi vô vọng trước nỗi cô đơn...
Nó mang tâm trạng chẳng ai hiểu mình, một kẻ có những đam mê trái ngược nhau, và có những suy nghĩ già dặn... nó đi tìm những vòng tay_ của những người hiểu nó, thỏa mãn nó trong một chút đam mê nào đó. Và nó đã thất bại, chẳng ai đúng là của nhau, mỗi tình yêu đều là một hợp đồng, thỏa thuận và nhượng bộ lẫn nhau vì yêu, hay vì sợ sự trơ trọi, cô đơn ? Nó đã sợ, đã nhượng bộ, thậm chí níu kéo... nhưng được gì chứ ? những mơ ước cứ vùn vụt ném vào sọt rác, những kì vọng của cha mẹ, kế họach của bản thân ứ đọng và đóng rong rêu xanh mướt...
đêm hôm ấy, tự dưng nó ôm gối qua phòng mẹ, nằm cạnh mẹ, khóc với mẹ, và nói trong tiếng nấc nghẹn , mẹ ơi, con đã sai rồi.....
.... đêm hôm ấy nó ngủ ngon trong vòng tay của mẹ, bàn tay mẹ gãi nhènhẹ vào lưng hệt như cách người y tá chăm sóc một vết thương lâu ngày chưa lành... đêm ấy, là đêm đầu tiên nó cảm nhận được sự bình yên giữa đêm... bình yên đích thức đến chính nơi vòng tay nó từng cho rằng không đủ lớn để ôm ấp nó nữa, bình yên đến với một thằng con trai đang mọc râu nơi vòng nôi ngày xưa nó còn quấn tã oe oe...
và đêm hôm ấy qua đi, ngày mai mẹ lên Thành phố, xét nghiệm phổi và cúôi cùng là phát hiện bện UNG THƯ PHỔI....
tin dữ ấy về nhà, nó khóc nấc giữa đêm... bấy nhiêu bình yên tạm bợ ngày trước, nó viết thành những bài viết hay tuyệt... nó lần tìm lại, nhưng chúng chả giúp ích gì... mẹ vẫn bệnh, và lo toan vẫn là những lo toan... và chiều hôm ấy, nó chạy xe qua chùa Vĩnh Tràng, dẹp hết những kiêu mạn, dẹp hết những đau thương, nó quỳ xuống trước tượng Quan Âm trắng tinh tuyền bên một gốc cây già cỗi... nó không cầu xin điều gì cả, chỉ lặng lẽ ngắm nhìn, và khóc... bình yên đích thực đến với nó, vậy mà bình yên ấy đang bỏ ra đi......
và đêm ấy, đêm đầu tiên nó không thấy cô đơn len lỏi bò dậy, lòng nó chỉ có mẹ, chỉ có hối tiếc về những ngày dài ngụp lặng đi tìm , và thỏa mãn cái tôi... gia đình dạo ấy không là bến bờ để neo đậu, chỉ là một góc tạm ( mãi cho đến bây giờ, gia đình mới dần trở thành gia đình dù còn lại một vài vết trầy sướt, đau đau, buôn buốt)... nó lầm lũi sáng đi học, trưa chiều học thêm, tối về học bài vì gần thi Tốt nghiệp... tin tức mẹ nhắn về vẫn đều đặn, mỗi ngày ba điện thọai 3 lần...
nó qua chùa... không cầu xin, không van vái... chỉ ngắm nhìn và chiêm bái nụ cười đậu trên môi Quan Âm... nụ cười đậu trên khối thạch cao trắng, tự dưng hóa một khối vô tri thành có linh hồn... nụ cười ấy đến không phải vì đi tìm, đi lặn lội giữa chợ đời mà vì từ bi, và an trú nơi thực tại... nụ cười ấy như hút lấy nó, ngầm trong cái nhỏen miệng cười của Quan Âm hình như đang mách bảo với nó về một thứ hạnh phúc mới, bình yên mới, cái mà nó đã tìm sai lệch bấy lâu nay...
vì mẹ, vì yêu mẹ, nó lao đầu vào học, thu nhặt hết những kiến thức nó để rơi rớt trên đọan đường 5 năm dài đằng đẵng... vì mẹ, nó ngủ lúc 2h sáng, và thức dậy lúc 4h... mộtđêm chỉ vỏn vẹn 2tiếng để ngủ, nhưng nó thấy vẫn chưa đủ, mẹ vẫn bệnh, và mẹ cần hạnh phúc từ nó...
nó lao vào học, và nhận ra cái hạnh phúc khi giải một bài tóan khó, cái miên man khi viết một câu văn hay bằng cả trái tim, cái hương vị của một kiến thức anh văn đã hòan tòan chế ngự được nỗi cô đơn, và những vòng tay ngày xưa chỉ là tạm bợ, cái hạnh phúc nó đi tìm cho chính nó chỉ là hư ảo, mà đích thực lại là thứ hạnh phúc vì người khác mà hy sinh, là thứ hạnh phúc cho đi bằng cả tấm lòng, là thứ hạnh phúc an trú trong thực tại, tiếp xúc được với thực tại... và trên môi hãy nở một nụ cười miên mật...
nó không hiểu tại sao nó có thể thay đổi nhanh đến vậy, đổi số đt, xóa hết những kỉ niệm và dỉ vãng xưa... giờ chỉ còn nó với hiện tại, và mẹ...
ngày mẹ mổ, nó lên Tp, ngồi trước cửa phòng đợi chung với ba, ÚT, chị Bảy, dì Thủy... không hiểu tại sao nó cảm thấy hạnh phúc, trong đầu không mảy may lo lắng, nó ngồi yên lặng, trong lòng tự nói , mẹ có mặt trong từng tế bào của con, và con cũng như thế trong mẹ, mẹ ơi, mẹ hít thở và mỉm cười cùng con mẹ nha ! và tự dưng lúc ấy , nó thấy mẹ, thấy mẹ mỉm cười..... bình yên lắm....
cô y tá mặc bộ đồ phòng mổ xanh lá đậm, mở cửa bước ra, thông báo ca phẫu thuật thành công và gọi người nhà vào... nó được vào đầu tiên, khóat lên mình chiếc áo blue trắng dành cho người thăm bệnh, đi thật nhanh lại giường mẹ nằm... tất cả là màu trắng, xung quanh mẹ chằng chịt những dây nhợ, mẹ yếu lắm... nhưng thấy nó mẹ vẫn mỉm cười, nó nắm tay mẹ, và mỉm cười, hai mẹ con nhìn nhau thật lâu... và hình như nhịp thở cũng đều đều như nhau... bất giác nó khóc, những giọt nước mắt nóng hổi bắt đầu lăn dài, mẹ cười, Salad phải mạnh mẽ lên, mẹ khỏe mà....
nó chào mẹ và ra về vì chiều có tiết học... đường ra bến xe dài thăm thẳm... chuyến xe đò lăn bánh, nắng chiều oi ả, nhưgn cái lạnh tóat ở trong phòng hồi sức mẹ nằm vẫn ám ảnh lấy nó...
về đến nhà, nó ghi một dòng chữ rõ to... PHẢI THAY ĐỔI...
mẹ ơi, mẹ có biết nó yêu mẹ nhiều, nhiều lắm không ?
chính mẹ, đã mở cho nó một con đường đi tìm về bình yên và hạnh phúc thực sự... đã xoa dịu cho nó những vết thươgn gây ra do nụ cười cũng như nước mắt...
nó đậu vào đại học, ngày mẹ kết thúc đợt hóa trị dài đằng đẵng....mẹ bảo nó là niềm hạnh phúc của ba mẹ, của gia đình....
lên Tp, nửa tháng về một lần, và nó hạnh phúc khi nhìn mẹ mỗi ngày một khỏe hơn, yêu đời hơn, khi bên mẹ có gia đình, có tình yêu thương và khi trong mẹ có hạt giống của Đạo Phật. Chủ Nhật mẹ và Út vẫn đi nhà thờ như ngày xưa, mẹ vẫn nán lại mỗi cuối lễ để ngắm nhìn Chúa, chỉ ngắm nhìn chứ không cầu xin... vì mẹ nói, mẹ đã có quá nhiều rồi...
mẹ bắt đầu yêu thương và tha thứ, bao dung cho mọi việc, mọi người mẹ gặp... mẹ lo cho dì Dung ở Sa đéc, mẹ lo cho dì Ánh Mai ở Cần thơ, mẹ đt hỏi thăm những bệnh nhân nằm cùng phòng đợt mẹ phẫu thuật... mỗi lần về, mẹ và nó hay ngồi Tĩnh tâm cùng nhau... nó hay đợi mẹ nhắm mắt rồi nhìn mẹ thật lâu mới chịu nhắm mắt lại ngồi cho ngay ngắn... những lúc ấy nó hạnh phúc lắm, và cười thật bình an...
và những ngày ở Tp xa ba mẹ, xa gia đình, nó đã chọn cho bản thân nó một lẽ sống, một ước mơ, một mục tiêu phấn đấu để vươn đến... nó đã sống trọn hai tháng nay với một khối lượng công việc tự học dày đặc, nó quyết tâm làm thế nào để sau này, nó có đủ khả năng đem cả nhà đi đến những trại trẻ em người già khuyết tật để chia sẽ những khó khăn, lo toan vất vả ở đó... nó hiểu mẹ, mẹ không cần du lịch, không cần trang sức, mỹ phẩm, quần áo... mẹ chỉ cần con của mẹ_Salad sống tốt, và thay mẹ hòan thành mong ước của mẹ thôi... mong ước ấy là việc đem lại niềm vui, bình an cho mọi người...
lâu rồi, với khối lượng công việc đồ sộ ấy, nó ngủ khi đầu óc căng cứng, mệt nhòai, ngủ sau khi chợ đêm Bến Thành tắt đèn, dọn dẹp... nó quên mất những dòng chữ nguyện cầu mà ngày trước nó thường nhẩm đọc mỗi lần đi Nhà Thờ hay đi Chùa....
Nguyện cho hết thảy được bình an và hạnh phúc
Nguyện cho hết thảy tránh được những tai nạn và hiểm nguy
Nguyện cho hết thảy tránh được những đau khổ về tinh thần
Nguyện cho hết thảy tránh được những đau khổ về thể xác
Nguyện cho hết thảy luôn giữ gìn được hạnh phúc....
.............và nó biết, lời khấn nguyện ấy không phải là nhờ cậy một vị thần linh nào đó giúp sức, mà chỉ là khắc sâu vào tâm trí nó một trách nhiệm, một mơ ước...nó sẽ cố gắng thật nhiều.
Và nó cũng nhận ra rằng, những vòng tay ghì siết của một người trong lúc đam mê, xúc cảm không thể nào là vĩnh cửu, chỉ có những vòng tay của lòng nhân ái, những vòng tay của sẻ chia, cảm thông và xoa dịu từ nhiều thật nhiều người... đó mới chính là vòng tay mà nó đã đi tìm, đang đi tìm và sẽ đi tìm... Từ ngày lên Đại học, nhìn lại, nó thấy nó đã sống có trách nhiệm, cương quyết mà vẫn tình cảm hơn ngày trước, dịp Noel này về, nó sẽ mang quà đến cho những người cơ nhỡ ở Trung Tâm bảo trợ xã hội của Tỉnh Tiền Giang, đó là những món quà mà nó tích cóp được từ những buổi sáng nhịn ăn, không đi chơi, không mua quà vặt...
khi bạn bè của nó lên Tp, bị cuốn theo dòng xóay của thời trang
khi bạn bè của nó lên Tp, bị cuốn theo dòng xóay của tình yêu....
khi bạn bè của nó lên Tp, bị cuốn theo những lối sống phươngTây
khi bạn bè của nó lên Tp, bị cuốn theo tiền bạc, quán bar..
..... và chúng đánh rơi quê ở ngay bến xe miền Tây ngày đầu tiên lên Tp đi học...
nó lại khác, không gian se lạnh của Phần mềm Quang Trung mỗi sớm thứ 3 dường như mát mẻ và trong trẻo hẳn... mỗi bước đi của nó đều là một ước mơ để san sẻ và yêu thương... ngày nào ăn trưa thì sẽ nhịn ăn sáng, hôm nào ăn sáng sẽ nhịn tiền ăn trưa... và trong cái đói ấy, nó cảm thấy hạnh phúc... chẳng hiểu tại sao nữa, mà sao dạo này nó hay cười... cười vì hạnh phúc, hay cười vì tương lai đang mấp mé ở phía trước, tuy còn mờ ảo, nhưng đốm sáng ấy vẫn để cho nó đủ hy vọng, đủ niềm tin rằng nó đã chọn đúng đường....
Cuộc sống ạh, cuộc sống đã yêu nó bằng cách cho nó quá nhiều hạnh phúc...
hi vọng cọng cải bé tí xíu này sẽ làm được một việc làm nào đó thật ý nghĩa để đền đáp lại tình yêu mà cuộc sống đã ưu ái dành cho nó....
nó đã thôi bảo thủ mình trước những xúc cảm, tình yêu trai gái , mà bây giờ, nó nhìn tất cả bằng cả tấm lòng, nó ôm ấp và chuyển hóa tất cả trở thành một thứ yêu thương, không dành cho một người mà là cho nhiều thật nhiều người....những người cần yêu thương.
p/s : Hôm nay nó vừa đi thi bằng lái xe, và kết quả khả quan lắm, 15/15 ở lý thuyết và thực hành tốt... qua Tết này sẽ đem xe lên... có xe, mỗi thứ 7, chủ nhật, có lẽ nó sẽ dành trọn thời gian cho những trại trẻ mồ côi, những người già neo đơn... nó hiểu như thế nó sẽ không có thời gian cho việc học ở thư viện, dịch sách, từ vựng và luyện nghe... nhưng nó tin, bây giờ, ngay tại thời điểm này, ước mơ phải được thực hiện từ những bước đầu nhỏ nhất...
mẹ ơi, ba ơi, gia đình ơi... cảm ơn đã cho con một góc nhỏ để quay về, cảm ơn đã sinh ra con, nuôi dưỡng thể xác lẫn tấm lòng con...
cậu mợ ơi, cảm ơn đã cho con một mái nhà giữa phố lạ, một cái bếp giữa chợ đời, để trưa về con hâm lại đồ ăn, để tối lại, con được ngồi xem tv cùng cậu mợ....
cảm ơn tất cả... đất, nước, gió và lửa đã hòa quyện cùng nhau tạo thành một cọng cải Salad xanh tươi... để cọng cải ấy đang mơ ước làm nên những điều kì diệu.... cảm ơn và muôn vạn lần cảm ơn...