sẽ mãi chẳng bao giờ nó đến được... phố đầy sương, và trời mù mưa

ngồi cho yên, cho vững chãi

ngồi cho yên, cho vững chãi
an định

Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2010

bước thật êm

Đi chân trần qua những đồng cỏ khô cháy. Nghe thân cỏ gãy vụng nơi từng bước chân. An nhiên và tĩnh tại, mặc nhiên hôm nào đó ta trở thành cỏ. Cũng vỡ tan nơi những nẻo đời đang cuồn cuộn trôi.


Có con rùa mù từ biển sâu trồi lên giữa mặt biển bao la. Cổ rùa tự dưng đưa ngay vào giữa bọng cây đang trôi dập dìu nơi sóng lớn. Rùa bảo với cây, vậy là duyên. Nhưng rùa không thể mãi ôm bọng cây để trôi nổi giữa mù khơi, cuộc sống của rùa là nơi đáy biển thâm u huyền ảo. Cũng ngày nào đó, khúc gỗ yêu thương ấy tan ra giữa những cơn sóng hung hãn. Cũng một ngày nào đó, rùa vĩnh viễn nằm lại nơi tận cùng của đại dương sâu thẳm… nên duyên ấy dù giữ, hay không cũng vẫn sẽ vỡ tan như trăm ngàn con sóng lớn nhỏ ngoài kia.

Nếu nơi cõi Ta Bà này, mình không sống trọn vẹn với nhau từng giây phút của tình thân, của chia sẻ và yêu thương thì nơi cõi Bụt, mình cũng sẽ vẫn loay hoay, vẫn sẽ thơ thẩn bên những vết thương của ký ức. Rồi mình lại hẹn nhau ở một cõi khác nữa. Cứ thế, mình lại là khách trọ nơi các cõi ấy. Vì chưa bao giờ mình uống cạn và thưởng thức được vị ngọt của hiện tại.

Dòng vô thường cứ trôi, dòng quanh quẩn sống và chết cứ cuồn cuộn chảy. May cho mình, có người chỉ cho mình thấy ngoài khổ đau ra mình còn có khả năng chế tác ra hạnh phúc. Mình có khả năng như Bụt và các Bồ tát khác. Nếu Quan Âm có thể bố thí sự vô uý, thì với thân giả hợp này mình cũng có thể mang lại sự vô sở sợ cho người khác. Nếu Bụt Di Đà mang đến ánh sáng, mang đến Tịnh độ thì mình cũng có thể làm như thế bằng xác thân ngũ uẩn này. Cho nên bên cạnh những cuộc chạy trốn sự khổ, những chủng tử của súc sanh, quỷ đói, và địa ngục mình còn có viên ngọc mà Kinh Hoa Sen Kỳ Diệu đã nhắc đến. Người bạn lành đem may viên ngọc vào trong túi áo của kẻ ăn mày. Kẻ ăn mày đi khắp chợ, khắp phố cầu xin từng đồng xu, hạt gạo, bữa cơm ngay lúc trong túi áo lại có vật giá trị trăm ngàn muôn lượng. Mình quên đi mình có khả năng chuyển hoá chốn đau thương này, và làm nơi này biến thành vùng đất của niềm hoan hỷ vô lượng. Một câu ái ngữ, một mắt lành trông chúng sanh, một hơi thở có ý thức chỉ bấy nhiêu đó thôi mình đã chạm được vào bản nguyện của chư Bụt và Bồ tát rồi.

Con rùa già mù loà sẽ ra đi trong hối tiếc, trong đau đớn khi nhớ về bọng cây. Cái hối tiếc, đau khổ ấy sẽ dẫn nó đến một thân mới cũng giống như ngày nó ra đi. Để loay hoay chờ đủ duyên tìm lại một bọng cây mới ở kiếp sau và kiếp sau nữa. Sóng vẫn làm công việc muôn đời của sóng, là xô đẩy những bọng cây trôi đi bất tận. Rùa vẫn tìm kiếm. Vậy thì nhân nào làm mình quanh quẩn ở chốn này… có phải là những mong cầu, hứa hẹn, chỉ núi thề sông hay không ? Sóng là dòng duyên trôi… có ai biết duyên nào sẽ đến đâu. Tuỳ duyên là một cách có thể chuyển hoá được đau khổ và vượt khỏi xoáy sinh tử. Vì không cầu mong, mà đều hoan hỷ với bất cứ chướng hay thuận duyên. Ai đi chùa, ai tu tập cũng biết đến từ Tuỳ Duyên. Và hay nói từ ấy vào khi mình gặp những ngịch cảnh, những nỗi khổ niềm đau. Nhưng mình vẫn âm thầm đi tìm những thuận duyên giống như rùa mù mải miết kiếp này sang kiếp khác tìm người tình_bọng cây.

Cõi Tịnh Độ nếu không hiểu rõ, sẽ trở thành bọng cây ấy. Cõi đó không phải là nơi toàn là những thuận duyên. Nếu mình chưa liễu ngộ được ý nghĩa của từ tuỳ duyên thì đi đâu mình vẫn nhìn mọi việc với tâm phân biệt giữa thuận, và chướng. Mình lỡ thấy Bụt Di Đà xoa đầu người khác mà không xoa đầu mình. Mình sẽ giận và ấm ức Bụt nhiều lắm, và mình cho đó là Chướng duyên. Cho nên trong Kinh về cõi Bụt Ánh Sáng, có nói rằng cõi ấy không có từ KHỔ. Vì bài học đầu tiên của chúng sanh nơi cõi ấy là TUỲ DUYÊN, và không nhìn mọi việc với con mắt nhị nguyên. Đúng-sai, Tốt-xấu, đau khổ-hạnh phúc, chướng-thuận. Đó là những ý niệm không có thực. Bị vướng vào những tư tưởng nhị nguyên này, mình sẽ đau khổ nhiều lắm, và chủng tử đố kỵ, chủng tử ngạ quỷ sẽ có cơ hội để đâm chồi nảy lộc. Mình phải gỡ những chỗ vướng mắc ấy, giống như người đi đường do sơ ý bị áo móc vào bụi gai. Người đó giữa trời nắng chang chang phải đứng lại gỡ ra, đôi khi gai còn đâm vào tay chảy máu, trầy da… nhưng vẫn phải tiếp tục vì đường còn xa, và thời gian không còn nhiều nữa,

Mỗi lần, mình cúi đầu lạy một vị Bụt, một vị Bồ tát mình hãy nguyện như vầy. Con nay có đủ hết tứ chi để làm thành 5 vốc. Con xin lạy Bậc Vô thượng trí, Bậc Chiến thắng phiền não, Bậc Từ Bi Vi Diệu giùm những loài súc sanh vì chúng không có trí tuệ để nhận biết chư Bụt, những loài ngạ quỷ vì họ không có giây phút nào ngơi sự đói khát để nhận biết chư Bụt, và những loài Địa ngục vì ngoài những đau khổ, nóng rát, kinh hoàng họ không có không gian nào để nhớ nghĩ đến Bụt. Xin lạy thay họ, và nguyện cho họ được mát mẻ, soi sáng và đủ đầy. Nếu thực tập như vậy đến lúc nào đó, mình sẽ không còn thấy mình và Bụt là 2 thực thể riêng biệt nữa. Mình ở trong tim Bụt, và Bụt ở trong tim mình. Không còn những đối tượng nữa mà chỉ còn lại lòng bi mẫn bao phủ khắp mười phương cõi đất này. Như thế là mình sống trọn vẹn trong từng động tác lễ lạy, mình sống và thưởng thức Tịnh Độ hiện tiền bằng tâm Từ Bi của Bồ tát Lắng Nghe, bằng nguyện lực oai hùng của Ngài Địa Tạng và sự tỉnh thức an nhiên của Mười Phương Chư Bụt.

Mỗi lần, mình ngắm nhìn Bụt, hay Bồ tát mình đừng xem đó là người có thể ban phước lành, người có thể cứu độ mà là những huynh trưởng, những tiền bối để mình học hỏi, noi gương và hoà điệu cùng các Ngài với tâm thành kính. Đó là mình ngắm Bụt, hiểu Bụt và nhìn Bụt với con mắt của trí tuệ, yêu thương chứ không còn hễ nhìn thấy Bụt là nghĩ đến tiền tài, danh vọng, vật chất nữa. Mình đã khoát lên Bụt những lớp màn của sự huyền bí, của cầu tài lộc từ rất lâu rồi, hôm nay chính tay mình sẽ gỡ những rèm che ấy để thấy Bụt tinh tuyền đến nhường nào. Mình gọi Phật là Bụt vì nghe có vẻ thân thương lắm ! Thấy tựa hồ như mình là đứa con nhỏ gọi cha ơi, mẹ ơi ! Từ Phật để dành cho những buổi lễ trịnh trọng và trang nghiêm khi ấy vị Thầy trở thành người chứng minh, và được khoát chiếc áo của sự oai nghiêm. Còn từ Bụt, mình dùng để tâm sự, để sẻ chia và thủ thỉ. Giống như ngày xưa, bên đạo Kitô, các môn đồ của Chúa Jesus gọi Ngài là Thầy… Lạy Thầy… nghe thương lắm ! Nó phá đi giới hạn, phá đi những rào cản của sự nghiêm trang đôi khi không cần thiết. Các vị đến giáo hoá nơi cõi thương đau này, đều muốn lắng nghe đau thương để ủi an chứ đâu cần nghe những lời tán dương sợ sệt. Chúa sẽ vui khi mình gọi Thầy ơi ! Phật sẽ vui khi mình gọi Bụt ơi… con kể Bụt nghe, con hứa với Bụt ! Bồ tát sẽ cười thật tươi khi mình gọi Ngài là Mẹ ơi ! Mẹ Quan Âm ơi… cho con phụ mẹ một tay nhé, Mẹ tần tảo sớm hôm nhiều rồi… giống hệt như đứa con nhỏ nói với mẹ rằng :” Mẹ ơi, hôm nay con vào bếp với mẹ nha ! “… có người mẹ nào nỡ lòng từ chối lời đề nghị dễ thương như vậy ?

Đây là một phương pháp rất hay để đạt đến một sự chứng ngộ khó tìm được. Người chuyên môn gọi là TÂM ĐỒNG TÂM CHƯ PHẬT, còn nếu những đứa con trong nhà khi hiểu, thông cảm và chia sẻ với Cha mẹ thì gọi là con Ngoan. Sự đồng tâm ấy không có gì khó tìm, nếu mình biết cởi bỏ lòng ham thích huyền bí, phép lạ, và những điều khó hiểu. Mình không cần phải ngồi thiền, niệm Phật, trì chú hằng giờ liền để đạt tới cảnh giới này. Chỉ cần ngồi thật vững, thật thảnh thơi, trải tâm từ ra mênh mông với hết thảy mọi loài, rồi thủ thỉ nhỏ với Bụt… Bụt ơi, xin cho con được dự phần vào hạnh nguyện của Bụt… Bụt Ánh Sáng ơi, xin cho con cùng Bụt thiết lập Tịnh Độ…

Mỗi ngày lễ Tết , cả gia đình quây quần bên nhau, cùng nhau cố gắng giữ chánh niệm, nói lời ái ngữ vì ai cũng mong năm mới sẽ có nhiều niềm vui, hạnh phúc. Ngay lúc đó, gia đình trở thành Tịnh độ, để mọi người biết tu tập ( tức là từ bi và tỉnh thức ) tụ hội về, đồng hướng về một mục đích chung là Giác Ngộ. Tịnh Độ không nằm ở phương Tây xa xăm, Tịnh độ có khả năng được thiết lập tại đây nơi những người dễ thương hội tụ. Trong đạo Kitô, Thầy Jesus nói rất hay, rất có hương vị của Tịnh Độ : Hễ ở đâu có từ hai người trở lên cầu nguyện vì danh Thầy, thì Thầy sẽ ở giữa những người đó !

Chỉ cần thân nhẹ, tâm an, miệng mỉm cười và cùng hỗ trợ nhau tu tập thì ấy là Tịnh độ, còn ở Kitô giáo là mời được Thầy Jesus về hiện diện nơi buổi cầu nguyện. Đó là phép màu có thật giữa thế gian.

Tịnh Độ có được, khi mỗi người nơi cõi giới ấy thành thục về pháp Tuỳ Duyên, để tha thứ cho nhau, hỗ trợ nhau tu tập. Mình không thấy việc tôi quan trọng hơn việc anh, mình không thấy tôi gồng gánh cõi này nhiều hơn anh, mình lại càng không thể thấy rằng vì mình tu giỏi, được gần gũi chư Phật mà tỏ ra ngạo mạn. Hay tệ hơn nữa là tôi ôm ấp nhiều nỗi khổ niềm đau hơn anh nên anh phải hiểu tôi chứ ! Sẽ không ai hiểu mình, nếu mình không tuỳ duyên mà hiểu người. Bụt Di Đà hiểu điều đó rất sâu sắc, nên Bụt hoá thành các loài chim quý ngày đêm hót vang. Những tiếng hót ấy là bài giảng pháp. Bụt hoá thành gió xao động hàng cây. Tiếng xào xạc của lá trở thành bài giảng pháp. Từ Nhất phẩm đến Cửu phẩm sen đều hiểu theo cách riêng. Bài pháp không dành riêng cho bất cứ phẩm nào mà thực sự lại dành riêng theo một cách đặc biệt. Chỉ cần hiểu như vậy về Bụt Di Đà, mình sẽ hiểu người đứng đầu Tịnh Độ phải có một tâm từ bi, và trí tuệ rộng lớn đủ hiểu tâm tánh của chúng sanh như trong lòng bàn tay. Và ý tứ đến mức sợ chúng sanh phát tâm phân biệt lớn nhỏ, nặng nhẹ mà phải chọn cách giảng pháp vi diệu như vậy.

Học ở Bụt Di Đà, mình sẽ thấy tình thương mình đưa ra hơi vô tư đôi khi trở thành sự kiêu mạn của người này, và sự tủi thân của người kia nếu như mình ở cương vị của một vị Thầy, một người lớn. Thì với địa vị càng lớn, tình thương và cách thể hiện tình thương càng phải có chánh niệm, tỉnh giác. Tình thương gây ra đau khổ, và ngã mạn là tình thương của Thế gian, đó không phải là từ bi mà chỉ là những luyến ái đời thường.

Vậy mình có thấy rằng nơi này, ngây bây giờ có thể xây dựng được một Tịnh Độ chỉ cần có sự tỉnh thức, từ bi và đoàn kết. Chỉ nhiêu đó là đủ cho một Tịnh Độ hình thành giữa Ta Bà rồi. Mình không nên xem Ta Bà là một danh từ không đẹp, nó có thể là uế trược nhưng nó là nền tảng của tất cả sự chứng đắc, là pháp của tất cả các pháp thành tựu giác ngộ. Cho nên, Ta Bà là một mảnh đất cần được chăm sóc, chuyển hoá và bồi dưỡng. Đừng phụ lòng Đất Mẹ này, khi mỗi ngày ta phải vay của đất hơi thở, ly nước,lá rau, miếng đậu phụ, mà lại thấy Đất Mẹ xấu xí, và mơ về một cõi đất ở phương Tây. Nếu ta không có khả năng trang hoàng cõi này cho tốt đẹp, thì ở cõi khác ta vẫn sẽ sống không an ổn vì gốc ta không an trụ vững chãi.

Niệm Bụt Ánh Sáng, ta phải thấy được Bụt đang ở trong ta, và đang cùng ta niệm. Từ niệm rất hay, không phải là kêu tên. Pháp môn Niệm Bụt được gọi là Tịnh Độ tông, Độ có thể hiểu là cứu thoát, giải thoát, Tịnh là thanh tịnh. Vậy tức là một pháp môn dùng sự thanh tịnh mà giải thoát chúng sanh. Do vậy, trước phải làm sao thanh tịnh tâm và thân này. Hãy thở với Bụt, hãy đi đứng nằm ngồi với Bụt. Để thấy Bụt là năng lượng rất lành, rất mát mẻ và sâu sắc. Bồ Tát Lắng Nghe dạy rằng khi niệm Bụt miên mật và đạt được thành tựu ta sẽ có khả năng ấn ngón chân cái xuống đất và cõi Ta Bà trở thành Tịnh Độ trang nghiêm. Đó không phải là khả năng của riêng vị Bồ tát ấy, mà cũng là của ta, của tất cả hữu tình này nếu chúng ta biết gọi : Bụt Ánh Sáng ơi ! Con mời Bụt về nơi đây cho con được phép ngồi thở với Bụt và Bụt cùng con niệm danh hiệu của Bụt nha !, hay giữa mọi người ta biết cách kiến tạo Tịnh Độ trong tỉnh thức trên nền tảng của pháp Tuỳ duyên.

Ta có thể chọn một phút giây nào đó, thật yên tĩnh và bình an, và tập thủ thỉ tâm sự với Bụt, Bụt ơi con không biết cách đi, cách đứng cho vững chãi và thảnh thơi. Bụt dạy con, và đi cùng con nhé ! Bụt sẽ vui lòng lắm. Không phải cứ ở chùa, ở Tịnh Độ là chắc chắn ta sẽ bước chân có tỉnh thức. Tỉnh thức nằm ở trong tim ta. Mỗi bước chân chạm xuống mặt đất là một lần ta phát khởi hạnh phúc. Vì ta có đôi chân này để bước đi, vậy xin dùng đôi chân này để mang đến lợi lạc cho tha nhân, cho hữu tình. Đi tỉnh thức không phải là đi cho thật chậm, mà càng không phải là đi nhanh. Mà đi phải có oai lực, và kiểm soát được đôi chân này, đôi tay này. Có những đứa trẻ bị bại liệt, chúng không có đôi chân để đi trên đất nhưng chúng vẫn là những thành viên của cõi Bụt, vì chúng đến đó bằng Tâm vươn lên khỏi nghịch cảnh như đoá sen vượt thoát bùn nhơ. Trong khi ta có đôi chân là có thêm một phương tiện nữa để vào cõi của Bụt Ánh Sáng ngay khi ta còn hiện diện ở Ta Bà này. Vì đường xá nơi cõi ấy toàn là pha lê, dát vàng bạc nên bước chân ta sẽ phát khởi được chánh niệm. Nếu ngay thời điểm này, ta không có chánh niệm trong từng bước đi, thì khi về cõi ấy ta sẽ luýnh quýnh, ngượng ngùng biết chừng nào ? Khi ở chùa, ở cõi Cực Lạc, chắc chắn cũng sẽ có những vị Thầy, vị Bụt giao cho ta công việc. Mình gọi là Phật sự. Phật sự là làm công việc cho Phật. Vậy mình không thể công việc ấy với cái tâm, cái ý hệt như làm thế sự được. Không thể để chút lửa sân, chút kiêu mạn vào từng động tác nhỏ. Phải ý thức, bình đẳng, và từ tâm ấy mới là ý nghĩa thật sự của Phật sự. Không phải làm vì công việc, mà làm vì lợi ích của hữu tình, không phải làm vì bản ngã mà làm vì Bồ đề tâm của mình và tha nhân, không phải làm vì ông Bụt ngồi trên điện thờ mà làm vì hàng ngàn, hàng vạn vị Bụt đang ẩn tàng trong mỗi người xung quanh. Nếu làm với tâm như vậy, ta sẽ thấy việc nào cũng vừa sức, việc nào cũng sẽ thành công, việc nào cũng đẹp lòng chư Bụt mười phương.

Danh hiệu Bụt không phải chỉ là tên gọi đơn thuần. Mỗi danh hiệu gắn liền với nguyện lực sâu dầy của vị Bụt ấy. Cho nên khi ta niệm Nam Mô A Di Đà Phật thì ta phải hiểu đó là tập hợp của nhiều yếu tố mà điển hình là trí tuệ, từ bi, an lạc… và ta cho chúng mặc nhiên theo hơi thở này ngấm vào trong từng tế bào của ta.

Khi ta niệm Bụt và bước đi trong chánh niệm thì ở cõi Cực Lạc, ta đã có mặt thông qua hình ảnh của đoá hoa sen. Tức là ta đã góp phần làm đẹp cho Tịnh Độ rồi…

Namo Avalokitesvara

Namo Shantideva

Nguyện những điều con viết ra trong Chánh niệm đều cúng dường Như Lai, và vì lợi ích của hữu tình.

Nguyên Huệ

( đêm tịnh tâm, 28/8/2010 )

Thứ Năm, 26 tháng 8, 2010

Avalokitesvara

Hằng đêm, tịnh tâm vài ba phút. Giây phút rất ngắn. Nhưng để có dịp nghe hơi thở, vào ra, ra vào đều thật đều. Có đôi lần, chợt nghĩ, ừh thì mình nghe mình thở vậy là mình còn đang sống. Sống khoẻ, sống có tỉnh thức như vầy.




Có một người bạn, lâu rồi không gặp, bạn nói với tôi là nước và lửa không ghét nhau, nhưng không thể ở cùng nhau được. Nghĩ vậy mà sao thương thân này quá, bao nhiêu năm nay nước, lửa, gió, và đất cứ ở mãi cùng nhau. Kị nhau ra mặt chứ có vui vẻ gì đâu.



Nhưng bù lại, ở giữa những trận chiến tưng bừng của 4 thứ không hạp tánh nhau, ta còn có hơi thở. Cảm ơn hơi thở nhiều lắm, hơi thở có biết không ? Hơi thở cho ta chỗ đứng tách ra khỏi những cuộc binh đao, để nhìn, ngắm và suy niệm. Chỉ suy niệm thôi, chứ không phân ra bên chánh, bên tà hay bên phải, bên quấy. Suy niệm để thấy thương cho thân này. Có lẽ nó mòn mỏi lắm rồi.



Và nghe hơi thở như vậy, nhìn những cuộc chiến, qua đi, diễn lại, qua đi… bất tận thiên thu. Một hôm hơi thở nắm tay, dẫn ta vào một vùng đất mới. Vùng đất ấy nằm giữa những cuộc chiến ác liệt, nằm lẩn khuất trong lớp khói bụi mù mịt của binh đao. Đó là một cõi thiên đường. Nơi ấy, hơi thở mời ta ngồi vào vị trí của đoá hoa, của ngọn núi, của hồ nước. Ta thấy sao mà tươi mát, vững chãi, và tĩnh lặng đến vậy ! kỳ lạ quá.



Vậy là bên dưới những cuộc chiến, luôn có góc khuất, sử ẩn tàng của bình yên. Nếu khéo tay một chút, ta có thể phát huy năng lượng tươi tắn của đoá hoa để làm an dịu binh lửa. Nếu khéo nghĩ một chút, ngọn núi giúp ta an trụ giữa đời này. Bận rộn nhiều thứ quá, nhưng ta vẫn có khả năng nắm tay công việc, dắt dìu, lèo lái công việc theo ý của ta. Ta là ngọn núi sừng sửng để tiền bạc, cảm xúc không kéo lôi ta đi xềnh xệch như bấy nhiêu năm đã qua. Ngọn núi làm cho lưng ta thật vững, đầu ta ngẩng cao dù đời có chê cười, trách móc, dỗi hờn. Ta biết, chất liệu của sự vững chải đang nằm nơi đây. Nơi hơi thở này.

Rồi hồ nước. Bao nhiêu ngày tháng ròng rã, ta đi qua bao nhiêu hồ nước, ngắm mình nơi mặt nước tịnh bình an, vậy đó, vậy mà ta quên mất ta cũng y chang như mặt hồ. Bấy lâu nay ta cứ để chiến tranh, trận mạc làm mặt nước tâm bị khuấy động, rộn ràng. Bữa nay, nhờ sự dìu dắt của hơi thở. Ta thấy ta có khả năng nhìn mọi vật với lòng không phân biệt. Thấy người kia mặt mài kênh kiệu ta không bực tức, thấy những cảnh hớ hênh tâm không còn ngóc đầu dậy, bò loe nghoe. Không để tâm chạy theo những thứ bên ngoài nữa, mà nơi này, tâm là hồ nước. Ngoại cảnh thay đổi, hình bóng phản chiếu thay đổi nhưng bản chất tịnh lặng của hồ tâm vẫn ngàn đời là thế.




… ta mải mê với 3 sự kỳ diệu quá đổi kinh ngạc mà hơi thở mang đến. Nhưng hơi thở ghé sát vào tai, và nói nhỏ nhẹ rằng :” mấy điều trên cũng bình thường mà thôi, còn một điều nữa mới là tuyệt đối !”… ta lặng đi, điều gì ngoài sự tươi mát, vững chải, thảnh thơi nữa. Chỉ cần bấy nhiêu ấy, hành trang vào đời vạn biến đã đủ lắm rồi. Nhưng mà Thở khuyên như vầy, anh ráng chút xíu nữa đi, để em sẽ dắt anh vào một vùng này. Không có hoa, núi và hồ nước nhưng là có tất cả. Vì tò mò, ta ngồi lại, cho thiệt yên thiệt tĩnh và bắt đầu thả trôi theo hơi thở có ý thức…

Và sự kỳ diệu bắt đầu… Ta không còn cảm giác của cuộc chiến, không thấy binh đao là thật nữa. Chúng hình như là có, mà cũng có vẻ là không. Hơi thở dẫn ta vào với không gian bên trong. Mêng mông, bao trùm và tràn đầy những bí ẩn.




Nơi vùng đất trống không, mênh manh ấy, tự dưng ta thấy những hạt giống trôi lơ lửng. Hạt giống đợi đủ duyên mà nẩy mầm. Trong không gian ấy có sẵn, và đầy đủ những yếu tố mà hạt giống cần. Chút hơi ấm, chút đất, chút nước, chút xíu không khí. Ta không nhìn thấy cây ở đâu hết, vậy mà chớp mắt cây xuất hiện. Chớp mắt cây biến mất.



Hơi thở vẫn đều đặn vào ra…



Vùng không gian ấy cứ ngỡ là không, nhưng mà bao trùm tất cả. Nói là không cũng đúng, mà có cũng được. Vì nơi đó có đầy đủ những yếu tố để kích hoạt cho sự ra đời, cũng như sự kết thúc.



Vùng không gian ấy nở lớn ra đến vô cùng cùng hơi thở chánh niệm.



Khi tiếp xúc với màu nhiệm bông hoa, ta bị vướng vào sự tươi mát. Với ngọn núi, sự vướng mắc là phải thiệt vững vàng…. Còn sự vô phân biệt thì nơi hồ nước. Còn đối với cảnh giới này, ta thấy rằng ta có thể là bông hoa, cũng có thể là ngọn lửa, là ngọn núi mà cũng có thể là cây cỏ bé nhỏ, là hồ nước tịnh mà cũng là hồ nước động. Miễn là ta có mặt trời chánh niệm, ta biết rằng hình như ta đang là như vậy.



Hình như có sự tươi mát



Hình như có sự vững chải



Hình như có sự thảnh thơi.



Tất cả là hình như, người chuyên môn họ gọi là “như”. Có người bảo “như thị “ là hình như tôi nghe như vầy, “như lai “ là hình như tôi có đến. Không nghe cũng được, không đến cũng chẳng sao. Vì chỉ là “như” thôi mà. Tiếp xúc với màu nhiệm của không gian trong tâm thức, ta như đứa trẻ lần đầu được đi máy bay, ngắm nhì từ ô cửa kính thấy cả không gian sao mà rộng lớn vô biên đến vậy. Thấy mọi việc rõ như ban ngày, và mỉm cười thật an nhiên khi dòng đời trôi đi bất tận.



Ta không dừng lại giữ dòng đời vì ta sẽ bám riết lấy nơi ta đứng.



Ta càng không thả trôi theo dòng huyên náo vì ta sẽ tan đi mất.



Mà ta phải như là đang đứng, như là đang trôi… Không gian cho ta phép màu của từ “như”… có vẻ là thế, không cũng được, mà có cũng chẳng sao, chỉ cần ta biết tỉnh thức từng sát na… Từng sát na trôi liên tục, và dòng tỉnh thức cũng tuôn tràn miên mật như một dòng suối pha lê , hay ai đó thích gọi là lưu ly, xa cừ, mã nảo. Dòng tỉnh thức không cuốn ta đi, mà làm ta an nhiên, “như lai” giữa đời này.



Hơi thở giới thiệu ta một cư dân già nhất nơi cõi không gian, vị ấy tên là Quán Tự Tại.Gặp vị ấy, ta cúi đầu chào thật lễ phép vì ta là khách vô tình lạc vào cõi này. Vị mỉm cười thật an nhiên. Hơi thở khẽ nói, vị ấy tài lắm, có thể biến hoá khăp nơi nơi, đi khắp nơi chỗ…. Tự dưng ta cũng mỉm cười, ta thỏ thẻ : ừh, nhưng mà tôi cũng làm được như vậy, chỉ cần hơi thở luôn bên tôi…



Bất chợt, chuông đồng hồ reo vang inh ỏi… ta bước ra khỏi thế giới vi diệu ấy mà chẳng chút hối tiếc nào mặc dù ta còn muốn ở đó, để nghe cư dân tên Quán Tự Tại kể về không gian vô tận bao la ấy.

Bên ô cửa, dòng đời cuồn cuộn chảy và gầm lên như thác. Hôm nay, ta không thấy sợ dòng đời, sợ khói bụi nữa. Ta mỉm cười, khẽ nói nhỏ :” Namo Avalokitesvara”…
Giữa cõi lăng xăng người ta bảo có một Tịnh độ. Thiệt là vô lý. Nhưng cũng quá chừng hợp lý với những ai thấy mình đương hình như đến, hình như đi giữa đám bụi mù khơi.



Nguyên Huệ

Thứ Ba, 24 tháng 8, 2010

CHUYỆN NGẮN NGŨN NGÀY VU LAN

CHUYỆN THỨ NHẤT




Cả ngày hôm nay, người ta thôi không buồn động đến từ sát sanh. Bình tâm lũ lượt vào chùa lạy Phật và hít khói. Phật trên cao, cao lắm. Phật cười thật tươi, ừ, tâm thành ta sẽ chứng cho.



Phật nói vậy thôi… ừh chỉ là lời nói. Phật còn nhìn chúng sanh gieo gặt triền miên. HÔm nay dừng gieo, dừng gặt ở chợ đời rồi lại rủ nhau về chùa xin gặt của Phật. Cầu con mua may bán đắt, cầu con sống lâu, cầu con có vợ đẹp, con ngoan… cầu con lấy được anh Việt kiều, đại gia... Phật nghe muôn vạn lời cầu xin. Thấy sao tội chúng sanh nhiều quá. Xin những điều ngày xưa Như Lai bỏ đó, tóc tai cắt lại gói gọn trao về. Bây giờ chúng sanh xin dữ quá, Phật phải quay về tìm lại… nhưng vô thường rồi thì tìm ở chốn nào ?



Có một đứa nhỏ, áo ngà ngà vàng. Tay cầm xấp vé số, cũng bước vào cửa Phật. Trên chiếc áo thiếu bột giặt siêu sạch, siêu tẩy trắng những vết ố lan dần… bên ngực trái còn bảng tên, phù hiệu… cũng rách tả tơi. Nó mếu máo quỳ trước bàn Phật, vừa khóc vừa nói : “ Phật ơi, cho con bán hết xấp vé số này, nuôi má con nằm nhà thương, ba con bị liệt bán thân bất toại ! Phật ơi …”



Những tiếng kêu Phật, xen lẫn với tiếng nấc. Mặt lấm lem bụi đường, tóc xơ ra vì những cuộc chào mời giữa trưa hè nắng cháy. Thằng bé ngồi bệt nơi chánh điện, mặc kệ mọi người lũ lượt khấn xin.



Mùi khói, mùi mồ hôi quyện với tiếng khóc. Không khí càng thêm nặng trĩu…



Phật nhìn thắng bé, sao thương quá ! từ sáng sớm đến giờ, chỉ có mình nó là cầu xin bán được về nuôi mẹ. Đứa trẻ có hiếu, nay đã vào chùa, sao có thể về tay không được ?



Mỉm cười thật an nhiên, Phật khẻ niệm một câu thần chú. Tức thì, nhờ oai lực của chú thần, mọi người phát khởi tâm từ bi, xúm xít nhau mua hết cả xấp vé số. Thằng bé còn ngẩn người ra chưa hiểu chuyện gì, chợt có vài người dúi thêm vài tờ tiền xanh đỏ vào đôi tay đen nhẻm đầy đất cát. Nó mừng quýnh, chỉ biết lắp bắp : cám ơn cô, cám ơn chú,.cám ơn và cám ơn...



Nó chạy như bay ra khỏi cổng chùa… trưa Vu Lan nắng như đổ lửa. Vườn chùa vẫn vương đầy khói nhang. Trên cao, cao lắm, ở tận Niết Bàn, Phật nói cùng chư Bồ tát, trong số chúng sanh hôm nay, có một đứa trẻ biết lấy hiếu hạnh làm đầu…

 
CHUYỆN THỨ HAI


Các chư Bồ tát nghe Phật dạy thế, bèn cùng nhau tìm thằng bé đặng phù hộ cho nó. Các vị bay đến trước cổng chùa ban nãy, xa xa… trong con hẻm nhỏ gần đấy. Có người phụ nữ cũng lấm lem, ra vẻ hung tợn lắm ! nắm xốc lấy cổ áo mục nát , vàng khè của thằng nhỏ đen như bụi đường. Bàn tay va vào da mặt chan chát… mày làm gì mà giờ này mới đem tiền về, tao đánh mày gãy chân cho mày đi ăn xin… thằng nhỏ mếu máo, khóc bằng những giọt nước mắt dư lại hồi nãy, “con lạy má, má tha cho con !”…



Gió bên kia đường, thổi lồng lộng vào tận cửa chùa. Vườn chùa xao xác. Trong chánh điện, vẫn những tràng dài về chuyện nhân gian vô thường.



Phật trên bàn thờ vẫn cười. Chư Bồ tát bằng tượng đá vẫn toả vẻ bình an… Có ai nghe được, các vị bảo nhau rằng :” Ừ, thì chúng sanh…”