sẽ mãi chẳng bao giờ nó đến được... phố đầy sương, và trời mù mưa

ngồi cho yên, cho vững chãi

ngồi cho yên, cho vững chãi
an định

Thứ Hai, 26 tháng 7, 2010

ĐIỀU MÀU NHIỆM


ĐIỀU MÀU NHIỆM

Mỗi buổi sáng, ta bước chân thật nhẹ ra khu vườn. Thấy bông hoa đang nở khẽ khàng đón nắng mới, thấy đôi bướm chập chờn vui đùa. Những niềm vui bất tận của cuộc sống cứ bày ra đầy ăm ắp trong thứ ánh sáng kỳ lạ của ngày mới. Mỗi sự sống là một điều màu nhiệm.


Bông hoa ngày hôm qua còn đương là nụ e ấp. Nụ hoa hôm kia còn bé tí ti, xanh xanh lẫn trong màu lá. Và nhiều hôm trước nữa, nụ hoa ấy chưa chịu xuất hiện. Nó nằm ẩn khuất trong thân cây, trong lá. Vậy mà bây giờ như một phép màu, bông hoa tươi mát ấy đang tô điểm cả một góc vườn.

Khi mình trồng một loài cây có hoa. Mặc dù cây chưa đơm bông, nhưng nhìn vào cây mình sẽ thấy có những nụ hoa, những đoá hoa nằm ngủ trong thân cây. Tại vì chúng chưa chịu thức giấc thôi. Tụi nó nói với cây rằng, phải hội đủ nhiều điều kiện lắm. Như là hơi nóng của mặt trời, ẩm ướt của nước, chất mùn của đất, nhịp thở của gió và hơn hết là sự tổng hợp, chuyển hoá của cây. Sự có mặt dù là nhỏ nhặt nhất cũng được tạo nên bởi những điều vĩ đại nhất, trùng trùng những yếu tố kết hợp lại cùng nhau.

Nếu mình nhìn kỹ như vậy. Mình nhận ra bông hoa ấy không thể coi thường được. Nó đang chứng minh cho mình thấy rằng, trong mảnh đất của sự không có, luôn có những hạt mầm của sự có. Mà chỉ cần những yếu tố, điều kiện thuận lợi thì sẽ hiện hữu mà thôi.

Vậy thì mỗi sáng có dịp ra vườn, nhìn những cây chưa ra hoa, mình đều có thể mỉm cười và nói thật êm dịu. Ta biết rồi, ngươi đang giữ trong thân một đoá hoa chưa chào đời, và đoá hoa ấy có mặt hay không vẫn đều rất đẹp, rất tươi mát.

Nơi sự tươi thắm của đoá hoa ấy, mình cũng có thể thấy được những điều không đẹp, không mát mẻ. Cây lấy chất mùn từ đất để tạo nên hoa. Nhưng chất mùn lại từ rác mà thành. Vậy ra hoa chỉ là một hình thức mới hơn của rác, cũng những lá khô vàng úa rơi rụng trong vườn. Mỗi sáng sớm, cha quét sân, gom những lá vàng, những bông hoa bị héo úa rơi vươn vãi trên đất lại. Chúng sẽ thành phân bón cho cây để bắt đầu một chu trình mới. Chu trình chuyển hoá và tạo ra màu sắc cho cuộc sống này. Hiểu được điều này, khi nhìn vào hoa ta có thể thấy được rác, và nhìn vào rác ta sẽ thấy nơi đó có những đoá hoa tìm ẩn. Và nhìn vào người không thương ta cũng có thể thấy được người mình thương đang lẩn khuất trong đó. Điều quan trọng là ta có biết cách chuyển hoá mà thôi. Ta không mang thái độ kỳ thị với rác hay người ta không thương; cũng chẳng mang những biểu hiện thái quá đối với hoa hay người thương… Đó là thái độ bình đẳng của một tâm hồn định tỉnh. Định là sự yên lặng hạnh phúc, và tỉnh là sự nhẫn biết rõ ràng. Chỉ khi nào tâm hồn mình biết bình lặng với cuộc sống này, mình mới có thể nhận thấy rõ những điều màu nhiệm đang hiện hữu. Sự hình thành đoá hoa, sự đâm chồi nảy lộc, sự héo úa, sự quang hợp hay sự trưởng thành ở bất cứ sinh vật nào cũng đều là những điều màu nhiệm. Và thái độ trân trọng là cách duy nhất mình có thể thực hiện khi hiểu ra như vậy.

Ta hứa sẽ đi dạo trong vườn thật nhẹ để khỏi làm tổn thương những ngọn cỏ xanh non mới vươn mình lên khỏi đất, sẽ để ý tránh giẫm lên những chú giun, bạn dế.

Nhìn thấy đoá hoa sẽ trở thành rác khi nó bị héo úa, và liền sau đó rác sẽ cung cấp cho cây đời một bông hoa khác. Để lòng ta thấy sao mà bình an quá. Ta có thể tin vào cả những người bất trị của xã hội này, ta tin vào một bông hoa còn e ấp chơi trốn tìm nơi ấy. Chỉ vì chưa đủ, chưa tròn đầy những yếu tố để đánh thức hạt mầm của sự tốt lành đấy thôi.

Ta thấy nụ hoa mang trong mình một sự sống bất diệt. Hoa không mất đi, hoa chuyển thành rác và từ rác… Một phần rất nhỏ sẽ là hoa mới. Bà sẽ gom rác vườn lại, phơi thật khô để nhúm lửa nấu nước. Đoá hoa ngày nào trở thành hơi ấm. Hơi ấm ấy hoà quyện với tình thương của bà sẽ nồng đượm mãi một góc quê nghèo. Ấm mãi lòng đứa cháu thị thành về quê thăm bà mỗi dịp hè đến. Và những làn khói từ bếp lửa ấy bay thật cao, thật rộng, bao phủ cả quê làng. Và bông hoa trong hình dáng là khói, cũng ôm ấp, lan toả những yêu thương.

Ai tin vào sự mất đi vĩnh viễn là người đó đã khiến cho họ mang sự thiếu sót đau lòng lắm. Không có điều gì mất đi cả, chúng chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác. Nhà vật lý học nào đó đã nói như thế về năng lượng, nhưng hôm nay bông hoa trong vườn đã lên tiếng. Ông ơi, không phải chỉ có thế thôi đâu, mọi vật trên đời này cũng bao giờ biến mất. Bản chất của vô thường thể hiện ở vạn vật, nhưng bên trong đó sự bất sanh bất diệt cũng có mặt. Tại vì ta chưa nhận ra thôi. Nơi từngế bào của ta cũng có mặt của ông cha ngày trước. Mẹ hay bảo con có đôi mắt giống hệt ông nội, có cái mũi là của ngoại. Vậy thì những người thân ta chưa gặp một lần vẫn lần lượt có trong ta. Chỉ cần ta thật định tỉnh, thật bình an ta sẽ thấy được như vậy. Và xã hội này, sẽ không có những đứa trẻ tự chối bỏ gốc gác của mình, hay những ai tuyệt vọng vì mất mát người thân.

Người ta hay nghĩ về nơi nào để đến phía sau sự chết. Nhưng quên mất rằng, bông hoa khi héo úa, nó rơi xuống ngay cội cây để tiếp tục một chu trình mới. Loài thực vật cũng còn biết quay về với cội nguồn, chẳng lẽ con người lại không thể hay sao ? Chẳng ai đi đâu xa cả. Ai đó vẽ nên sự thịnh vượng đời sau, đó chỉ là một phương tiện để thôi thúc niềm tin. Ông cha ta ở ngay đây, ngay trong từng tế bào, từng nếp suy nghĩ này. Nếu ta biết chuyển hoá làm sao cho cuộc sống ta hạnh phúc trong tình thân huynh đệ, trong yêu thương đùm bọc thì ông cha ta cũng sẽ hạnh phúc.

Chỉ cần nhìn vào một bông hoa trong vườn, ta đã được vô vàn những bài học quý báu như thế. Khu vườn tưởng chừng như bé nhỏ, nhưng không nhỏ bé chút nào hết... những điều kỳ diệu đều ẩn mình trong sự sống, một tà áo bay, tiếng chim hót, dòng suối chảy .v.v. chúng sẽ hé mở nếu ta biết cách lắng nghe, hít thở và mỉm cười trong sự tĩnh lặng của nội tâm.

Thứ Sáu, 16 tháng 7, 2010

xa xăm... những mùa dế


Khi những chùm phượng thi thoảng gieo mình xuống nền đất chai sạm, thì cũng là lúc bọn sinh viên chúng tôi được nghỉ hè. Hè sớm… rợp trong tiếng ve rả rích, hoa học trò rực rỡ mà hồn nhiên. Cùng với nắng và gió. Phố lạ với ngót ngét 8 triệu con người, mà sao thấy lòng trống trãi lạ kỳ. Phố cũng gồng mình dung chứa những khoảnh hồn quê. Có gánh bánh xèo của cô Mười Xiềm, có gốc chuối, có cây khế, có rỗ rá mây tre. Nhưng sao giữa mịt mù khói bụi, tôi cứ mãi đi tìm. Một mùa hạ, với những cơn mưa rả rích. Đêm về, bầy trẻ con đi vòng khắp xóm nhỏ, tìm bắt những con dế than, dế lửa… Trưa hè, bè bạn quây quần ở quán dừa nước bên hông trường tiểu học nhắc lại những chuyện xưa… tối đến, chạy vòng khắp phố, nhẩn nha nhẩn nhơ rồi ghé vào quá nước mía ở góc nào đó bên bờ giếng nước lớn. Nghe vị ngọt của mía, của mít, của mứt chùm ruột , vị chua phảng phất của trái tắt, rồi còn vị mằn mặn của đậu phộng muối nữa chứ ! Phố lạ khác quê, vì dòng sống trôi đi nhanh quá, dẫu ai đó có mang quê lên để trang điểm hay cho lòng khách lạ bớt quay quắt nhớ cố hương… nhưng rồi cũng đâu vào đấy. Kẻ xa quê giống hệt như cây dừa trồng nơi quán phố, lòng cứ đau đáu những quầy dừa phải cắt vội khi trong ruột chưa có lấy giọt nước lành, vì người ta sợ, quả dừa rơi gây nguy hiểm cho khách hàng. Cứ ngập ngừng, bảng lãng giữa nỗi nhớ được chấp vá bởi muôn màu xa lạ.

Bạn ở lại đất lạ, chạy như bay theo việc làm thêm, kiếm thêm mảnh bằng ngoại ngữ, vi tính. Tôi lững thững về quê, giữa buổi trưa cuối hè nắng gay gắt, trên vai cái balô nặng chịt. Tôi phân vân giữa ở lại và đi về. Ở để được trưởng thành, để vững chãi hơn, để quen với không khí của thành phố trẻ, năng động và xông xáo. Về để gần gũi với gia đình, để chiều chiều đi bộ vòng giếng với mẹ, để rảnh rang rủ đám bạn cũ tụm năm tụm bảy, để thấy lòng này bình yên khi đôi chân thôi không chạy mải miết. Thế là về quê, như một cơ hội nào đó, tôi tự học cách yêu bản thân mình cho đúng nghĩa.
Trưa về trời đầy nắng. Chiều đến mưa rả rích. Đêm thì trời ráo hoảnh. Tên thi sĩ trong tôi mừng thấp thỏm, vậy là từ trên ô cửa nhỏ, tôi được ngắm bầy trẻ con đi lang thang khắp xóm bắt dế. Tay đứa nào cũng cầm cái đèn pin, lon sữa bò. Chúng cãi nhau õm tỏi, chúng hí hửng, hồi hộp đến ú tim khi nhìn thấy một bóng dế bay chao lượn trên ánh đèn đường. Cũng như tôi của ngày ấy xa xăm.
Nhưng sao mùa dế năm nay lạ quá. Bọn trẻ biến đi như cá lặn mất tăm hơi… tôi đợi mãi nơi ổ cửa, mong chờ ánh đèn pin xoẹt ngang. Rồi cơn mưa đến, rả rích từng giọt, dần dà nặng hạt và ầm ầm trút nước. Chắc hôm nay đài dự báo khuya sẽ mưa nên ba mẹ bọn nhóc không cho chúng đi bắt dế rồi… hôm sau vậy…

Hôm sau… Hôm mốt và những hôm tiếp theo nữa, phố vẫn im thin thít. Bọn trẻ đâu mất rồi ?
Ánh đèn đường trên cao vẫn sáng. Mưa ngoài trời như thoả hiệp với sự chờ đợi của tôi, rơi nhiều và dày hơn nữa. Chợt một con dế bay vào ô cửa nhỏ, đậu trên rèm cửa. Nó múa may đôi râu dài đen nhánh. Màu vàng đỏ ửng trên đôi cánh, gù gờ những hình thù bí hiểm và hung hăn. Nó nhìn tôi ( có lẽ là thế ), ngạo nghễ cười. Dế ở đây, còn bầy trẻ bắt dế đâu rồi ? …

Tôi lang thang đi tìm nơi những quyển sách về tâm lý trẻ con, thấy chẳng ai nói về tại sao con nít không còn mê chơi dế nữa, chẳng ai nói tại sao ma lực của tiếng dế gáy mùa mưa không còn đủ mạnh ?

Và một dịp nào đó, tôi tìm ra câu trả lời, mơ hồ lắm, và chẳng thấy sách vở nào nói đến. Tôi cũng chưa đủ tự tin bảo đó là đáp án chính xác như bác Chánh Tín vẫn thường hồ hởi chúc mừng người thắng cuộc trong game show nào đó trên đài. Nó nhỏ bé, và chỉ đủ làm tôi gầt gù.. ậm ừ…

Những buổi sáng, tôi thấy bọn trẻ vai đeo cặp thật nặng, được ba mẹ chở đi như bay trên những con phố còn tươi màu nắng mới. Chúng gặm ổ bánh mì trong vội vàng và hối hả. Những đứa trẻ tóc chưa kịp chải, mắt nhắm mắt mở vì cơn say ngủ… Trong sâu thẳm những đôi mắt còn ngái ngủ ấy nhìn những cây vợt, trái cầu, quả banh của đám thanh niên ngoài bờ hồ, tôi đọc được sự thèm thuồng. Ước gì được đánh cầu, ước gì được đá banh, ước gì… và ước gì.

Những buổi trưa, nắng gay gắt như đổ lữa. Nơi ngã tư phố, những chiếc cặp to hơn cả người đeo vẫn lảng vảng trên từng con phố, ngỏ hẻm. Chạy theo con chữ, và “rinh” chữ về nhà. Mùa hạ vẫn lắt lẻo trên cao. Lớp học ấy mở ra khi ngoài ô cửa lớp còn rợn ngợp tiếng ve. Ngày xưa, bà dạy tôi con ve vì trong năm biếng học, nên hè phải ôm tập học bài. Còn bây giờ vẫn là những học sinh giỏi, đôi mắt trĩu nặng vì cặp kiếng cận dày cộm, tập trắng chữ khôi… nhưng mùa hè cứ như những con ve rả rích. Ve ve ve.. đi học hè. Người giáo viên trong lớp học hè cũng mệt, có đôi lần cô tự thấy sao mà ái nái quá, cô giống như kẻ xấu cứ giành giật mùa hạ với bọn học trò nhỏ. Gia đình cô đang nghĩ ngơi ở biển, ở núi , ở thành phố sương mù. Nhưng con chữ thời nay sao nặng quá, kĩu kịt trên vai người dạy và kẻ học. Quyển sách giáo khoa đã dày, nay lại còn dày hơn gấp bội. Những con chữ muôn đời không dạy hết, học hết cứ được nhét vào một năm học ngắn ngủi. Làm sao học hết nếu không dạy ẩu, học ẩu, hoặc dạy thêm và học thêm ?

Những buổi chiều, bọn trẻ mệt lả người đi… vẫn cặm cụi học. Buổi sáng học toán 2 người, buổi trưa học anh văn 2 chỗ, buổi chiều học lý học hoá. Tiểu học thì áp lực thì vở sạch chữ đẹp, đọc nhanh viết giỏi. Trung học thì cổng trường như chuôi kim, phải học làm sao như sợi chỉ, xỏ vào vừa vặn, khít khao. Người ta dạy bọn trẻ học chạy, chạy rất nhanh. Dạy cả những kiến thức về thiên văn, địa lý, và những công thức để chế tạo ra thuốc nổ, những định luật để lưu hành dòng điện v.v.v nhưng chưa ai dạy chúng về cách chế tác ra hạnh phúc, nghị lực và yêu thương…

Ngày hôm qua, một trong số muôn vàn bọn trẻ chạy theo con chữ. Có một đứa đã “bỏ cuộc chơi “ khi làm bài thi đại học không tốt. Nó lặng lẽ về nhà, nhắn tin từ biệt bạn bè, rồi cũng lặng lẽ cầm chai thuốc rầy uống vào ừng ực. Nó là đứa học sinh giỏi hoá, nó dư sức biết công thức chế tạo ra thuốc rầy, và độc tính của thuốc. Nhưng làm sao bây giờ ? ở trường, ở xã hội chỉ những người dạy phải chiến thắng, phải thành công… bài học về chấp nhận và chuyển hoá thất bại, đau khổ sao mà xa vời vợi đến thế ? Học vội, và tự tử cũng thật vội vàng… xa xăm ngoài kia, cũng một đứa trẻ đang chiến đấu với bệnh ung thư, đứa trẻ ấy cũng mếu máo rằng : bác sĩ ơi !làm ơn cho con thêm một ngày sống nữa thôi ! Đó không phải là lỗi của đứa trẻ tự tử, mà là lỗi của xã hội, lỗi của các bậc người lớn khi cứ ép bọn trẻ, định hướng bọn trẻ theo chiều hướng có lợi cho họ. Nhiều học sinh đỗ đại học, nhiều học sinh đỗ thủ khoa… các bậc người lớn sẽ có được nhiều nhiều thứ lắm ! Những bằng khen, những tiếng tăm có xứng đáng với mạng người hay không ?

Bọn trẻ có nghe dế gáy. Nhưng bài vở chồng chất, cả ngày mệt mỏi, phải ngủ sớm để mai còn chạy như bay theo con chữ mênh mang. Tiếng dế gáy còn lẩn khuất trong bụi cỏ, còn con chữ tràn đầy ra đường. Con chữ đem về danh dự cho mẹ cha, cho tương lai, còn con dế chỉ đem lại giây phút mơ hồ của tuổi thơ thôi… vậy giữa hai thứ, con trẻ phải chọn gì đây ?

Những người mẹ, ông bố còn nóng bừng bừng đôi gò má, khi thấy con mình còn thua con bé nhà bên vì nửa điểm môn Toán. Vậy là con nhà này phải học thêm một ông thầy dạy Toán nữa mới đủ… rồi còn biết bao nhiêu điểm số khác nữa. Môn lý, môn hoá,môn anh văn v.v.v Đôi khi người lớn bị rơi vào vòng xoáy của con chữ, nhưng khác hơn bọn trẻ, họ đứng trên phương diện của danh dự, của tự ái… con tôi phải hơn con anh. Mà có ai chịu thua ai đâu ? chỉ còn lại những tuổi thơ gắn chặt với những chuyến học “bay”.

Tôi bần thần nhìn lại xung quanh. Quê tôi giờ cũng như phố lạ. Đang chuyển mình trên con đường phát triển. Những nhân tài đỗ hai trường đại học, những anh kỹ sư, giám đốc cố bám trụ lại nơi đất lạ. Quê phải oằn mình, đào tạo, oằn mình hun đúc. Làm sao cho phố lạ thừa thãi rồi thì nhân tài sẽ tự động về lại quê thôi. Về để thấy trời ơi, mình thua bạn bè ở phố nhiều quá ! ở đây là mất tương lai, ở đây là đói triền miên không sắm được xe “hộp”, nhà cao. Và bạn thấy thở không nỗi, mệt nhoài, chán chường. Nhưng biết đâu rằng, quê cũng mòn mỏi lắm rồi. Người quê chạy, và hồn quê cũng phải chạy. Chạy để tự biến mình giống như phố lạ. Xa xăm, ngút ngàn những cao ốc chọc trời… Con dế và người bắt dế trở thành huyền thoại. Khi ấy, cha mẹ giở sách cổ tích đọc cho con hằng đêm. Ngày xửa, ngày xưa, đã lâu lắm rồi, có đám trẻ mùa mưa tụm năm tụm bảy đi bắt dế…
Đêm nay, con dế ấy lại bay đến đậu trên bệ cửa nhỏ. Nó nhìn tôi, ánh nhìn quay quắt. Anh ơi, sao tôi ao ước bị săn đuổi, bị tìm kiếm... Tôi nhanh tay chộp lấy nó, nghe nó vùng vẫy trong lòng tay. Lặng lẽ lên sân thượng, nơi gốc khế kiểng, thả ra, và tôi bảo nó hãy ráng bay thật xa, làm một chuyến phiêu lưu như chú Dế Mèn, về đến những vùng đất vẫn giữ được linh hồn của quê, của những mùa dế rộn ràng… Hình như nó nghe lời thật, vụt cánh bay đi trong màn mưa lất phất…

Tôi phải chọn gì đây giữa thoáng bình yên và tương lai phía trước ? Âm thầm, tôi thu xếp áo quần… ngày mai, tôi bước lại vào vòng xoáy, của con chữ, của kinh nghiệm, của hơn thua. Khép lại trọn một tuần quê dai dẳng. Và trong bao la những xoáy đời,có đôi lần tôi nghe tiếng dế gáy… khe khẽ, rả rích. Những mùa dế tuổi thơ.